Chất lượng, uy tín - ‘giấy thông hành’ để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

author 16:29 24/10/2021

(VietQ.vn) - Chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Hiện nay, ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là “mảnh đất” tiềm năng để doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sau thời gian dài bị tác động của đại dịch Covid-19, sức mua thị trường nội địa đã có sự giảm sút, người tiêu dùng giảm quy mô giỏ hàng về số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh minh họa.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. "Thị trường nội địa là cứu cánh cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Như vậy, có thời gian chuẩn bị để quay trở lại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ củng cố lại sản phẩm của mình".

Đồng quan điểm với giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

"Trước mắt phải thiết lập nhiều chuỗi phân phối sản xuất, phân chia lợi nhuận, quản lý chất lượng và thành lập các hệ thống dự trữ chiến lược về hàng hóa thiết yếu. Một vấn đề nữa, tăng cường quản lý chất lượng trong chuỗi giá trị, xây dựng các kho dự trữ chiến lược giảm chi phí logistic vận chuyển. Chúng ta phải làm công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổ chức tốt hệ thống phân phối làm cho siêu thị phát triển văn minh, làm ăn tử tế, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị, hợp lý công bằng mang tính chia sẻ, nhân văn..." - ông Phú nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Trong đó, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang