Chất thải thuốc lá - Nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng toàn cầu

author 15:49 02/12/2022

(VietQ.vn) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp thuốc lá đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp thuốc lá là nguyên nhân khiến 600 triệu cây xanh bị biến mất, chịu trách nhiệm gây ra hơn 8 triệu ca tử vong hàng năm. Việc trồng thuốc lá cũng sử dụng 200.000 ha đất và 22 tỷ tấn nước hàng năm và thải ra khoảng 84 triệu tấn CO2.

Các sản phẩm thuốc lá làm nóng lên toàn cầu

Theo chuyên gia của WHO, các sản phẩm thuốc lá là chất thải chính trên hành tinh và chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, chúng xâm nhập vào môi trường của chúng ta khi bị thải bỏ. Khoảng 4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm đại dương, sông ngòi, vỉa hè, công viên, đất và bãi biển của chúng ta mỗi năm. Trong khi đó, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 1/5 lượng CO2 do ngành hàng không kinh doanh hàng năm. Điều này góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.

 Rác thải từ thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường toàn cầu. Ảnh minh họa

Tích tụ ô nhiễm nhựa

Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và là loại ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên thế giới. Thực tế thuốc lá thường được trồng ở các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu thiết yếu về nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, những nguồn tài nguyên này đang được sử dụng để trồng những cây thuốc lá, trong khi nạn phá rừng ngày càng nhiều. Thêm vào đó, những chi phí cho việc làm sạch chất thải của ngành công nghiệp thuốc lá do những người nộp thuế trên khắp thế giới phải gánh chịu là rất lớn.

Theo WHO, việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá. Ở Việt Nam được xếp ở hạng trung bình với khoảng 1,4% diện tích rừng bị phá mỗi năm để sản xuất thuốc lá.

Thuốc lá làm thoái hóa đất

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy rằng cây thuốc lá là loài cây rất ưa nước nên thường được trồng ở nơi có nguồn nước tưới dồi dào như vùng trũng, gần ao hồ sông, suối... Tuy nhiên, cây thuốc lá thường làm thoái hóa đất trồng, cạn kiệt chất dinh dưỡng làm mất đi độ phì nhiêu của đất, đất trở nên bạc màu cằn cỗi dẫn đến hiện tượng xói mòn đất ngày càng nhanh. Thực tế từ những người trồng cây thuốc lá cho biết, họ chỉ trồng thuốc lá trên một mảnh đất được khoảng 3-4 vụ, sau đó thì không thể trồng được nữa vì cây thường dễ bị sâu bệnh, còi cọc do thiếu chất dinh dưỡng từ trong đất. Dù đất được bón phân hay chăm sóc tích cực cũng chỉ cầm cự một thời gian, bởi càng trồng thì đất bị thối hoá ngày càng nghiêm trọng hơn và sẽ ảnh hưởng đến giá trị kinh tế của các loài cây khác.

Thuốc lá gây khai thác và tàn phá rừng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.

Một người dân có lò sấy thuốc lá cho biết để sấy khô 3.000 ha cây thuốc lá cần hơn 33.600 m3 củi, một con số dễ khiến bất cứ ai cũng phải giật mình trước mức độ “phá rừng” của cây thuốc lá. Củi sấy thuốc lá thông thường phải đảm bảo được nhiều tiêu chí: Độ lớn, độ chắc, đốt đượm lửa và tiêu hao ít mới “trụ” nổi với 6-7 ngày ròng rã để cho ra sản phẩm thuốc lá có màu vàng đẹp mắt, điều này đồng nghĩa với việc những loại củi gỗ thông thường sẽ không đáp ứng được và cũng không đủ để đáp ứng. Đối với người trồng thuốc lá, củi rừng luôn là lựa chọn số 1 bởi độ chắc, đượm lửa chính vì thế dẫn đến tình trạng khai thác rừng một cách tận thu, bừa bãi để có đủ nguồn củi sử dụng sấy lượng lớn thuốc lá …. Ngoài ra, tàn thuốc lá có thể là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng và hỏa hoạn lớn dẫn đến thảm họa cuộc sống con người và môi trường sinh thái các loài sinh vật.

Thuốc lá gây ô nhiễm nguồn nước

Ước tính mỗi năm, con người sử dụng 22 tỷ tấn nước sản xuất và chế biến thuốc lá; người hút thuốc lá có thể thải ra ngoài môi trường tới 4.500 tỷ đầu lọc và tàn thuốc lá; thêm nữa là con người vứt các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khắp mọi nơi; ngay cả khi những người hút thuốc vứt thuốc lá bằng cách xả chúng trong nhà vệ sinh, cống thoát nước; khi mưa xuống, chúng bị cuốn trôi ra sông rồi ra biển ngấm vào đất và nước gây ô nhiễm nguồn nước.

Các vật liệu trong bộ lọc thuốc lá sẽ gây nguy hiểm đối với nhiều động vật thủy sinh. Các động vật như cá và rùa thường nhầm lẫn tàn thuốc với thức ăn của chúng, dẫn đến sự tích tụ làm tắc nghẽn đường tiêu hóa dẫn đến cái chết đau đớn ngay cả khi chúng đói vì không thể tiêu thụ được thức ăn. Bởi vì, nhựa được sử dụng trong các bộ lọc thuốc lá phải mất ít nhất cả thập kỷ để phân hủy, ngay cả khi mọi người dừng hút thuốc từ hôm nay thì vẫn sẽ có nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong những năm tới.

Thuốc lá ô nhiễm không khí và môi trường tự nhiên

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng. WHO khẳng định thuốc lá là mối hiểm họa với sức khỏe môi trường và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Khoảng 4.500 tỷ đầu mẩu thuốc lá (tương đương 766.571 tấn) bị thải ra môi trường mỗi năm. Lượng rác thải này thường phơi nhiễm trong môi trường, trên đường phố, lối đi bộ và các khu vực công cộng, trôi ra cống và cuối cùng làm ô nhiễm sông hồ, bờ biển và đại dương. Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử có chứa vi nhựa cũng làm tăng ô nhiễm nhựa.

Phòng chống thuốc lá tại Việt Nam

Tại Việt Nam, WHO ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).

Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.

Những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung và tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Theo Bộ Y tế, so với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh trong độ tuổi 13-17 từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019.

Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc tại cơ quan bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách với các nội dung cụ thể, như đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc; đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực của các bộ, ngành; có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá …

Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang