Chinh phục thị trường khó tính bằng tiêu chuẩn cao nhất với nông sản

author 08:56 24/11/2022

(VietQ.vn) - Muốn chọn lựa được sản phẩm để sản xuất, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường. Chúng ta sản xuất những thứ mà thị trường cần chứ không sản xuất ra những thứ mà ta có thể làm. Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó.

Siết chặt quy định nhập khẩu nông sản

Hiện nay, hầu hết thị trường nhập khẩu nông sản đều nâng cao tiêu chuẩn đối với sản phẩm hàng hóa nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Đơn cử như đối với Trung Quốc, đây là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản Việt Nam đang áp dụng các quy định ngày càng siết chặt, khiến doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn.

Cụ thể, Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa nhập khẩu nói riêng.

Nâng cao tiêu chuẩn vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.

Đối với thị trường EU, bên cạnh yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì vấn đề sở hữu trí tuệ là yêu cầu hàng đầu từ phía EU. Ví dụ như trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một số điều khoản đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại thế giới.

Trong khi đó tại Việt Nam, hiện tượng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra thường xuyên là do doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của mình.

Do đó, việc nâng cao tiêu chuẩn được xem là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi và bắt nhịp với thế giới.

Sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất với từng loại nông sản

Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó. Ảnh minh họa. 

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất nông sản chất lượng cao nhằm chinh phục các thị trường khó tính, theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Unifarm Bình Dương, để sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì.

“Muốn chọn lựa được sản phẩm để sản xuất, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường. Chúng ta sản xuất những thứ mà thị trường cần chứ không sản xuất ra những thứ mà ta có thể làm. Một sản phẩm được chọn phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”, ông Phạm Quốc Liêm nói.

Sau khi xác định được sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, ông Phạm Quốc Liêm cho rằng cần phải có kế hoạch, giải pháp cạnh tranh với các quốc gia đang sản xuất sản phẩm đó. Không nên sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể mà phải xác định sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Là đất nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế rất hạn chế về số lượng. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ, nên giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có chiến lược thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp có thể áp dụng mở rộng thị trường theo chiều sâu như đẩy mạnh lượng tiêu thụ và kim ngạch xuất khẩu đối với các đối tác truyền thống của mình. Tại thị trường mà doanh nghiệp đã có sẵn đối tác cần gia tăng số lượng khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng nông sản, có chính sách đãi ngộ... thể hiện ưu thế sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Với mở rộng thị trường theo chiều rộng, doanh nghiệp cần có hoạt động nghiên cứu, dự báo nắm bắt được đặc điểm, thị hiếu của từng thị trường để chào bán các sản phẩm nông nghiệp phù hợp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang