Cho phép mang thai hộ: Người làm luật đang lo lắng thái quá!

author 09:57 30/06/2014

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng nếu luật quá gò bó trong việc chọn đối tượng mang thai hộ sẽ khiến nhiều người có nhu cầu thực sẽ ra nước ngoài để thực hiện nguyện vọng sinh con của mình.

Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi chính thức có hiệu lực trong đó có điểm được nhiều người quan tâm, đó là luật cho phép được mang thai hộ. Khi Luật thông qua, người ta cho rằng sẽ “bật đèn xanh” cho vấn nạn đẻ thuê. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.

Thưa ông, mới đây Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, trong đó có điều khoản là cho phép mang thai hộ, quan điểm của ông về luật mới lần này?

 PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Theo tôi, điểm mới này của Luật Hôn nhân Gia đình đi vào thực tiễn vì trước đây không có cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn cần đến kỹ thuật mang thai hộ. Nhưng khi chúng tôi tham gia làm chuyên môn trong một thời gian dài thấy nhiều cặp vợ chồng cần mang thai hộ. Nếu luật pháp cho phép mang thai hộ người ta có được chính đứa con mang gốc di truyền của mình.

Luật sửa đổi lần này mang tính nhân đạo, nhân văn cao cả. Nếu như được thực hiện, tôi chắc chắn chỉ sau khi có nghị định của Chính phủ ra đời, nó được triển khai thực hiện.

Về phần Bộ Y tế, Bộ rất có trách nhiệm về vấn đề này vì đây là cơ quan chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật làm sao đảm bảo được khoa học, kỹ thuật và tính nhân đạo mà tránh hệ lụy không đáng có.

Điều mới của Luật này mục đích mang tính nhân đạo nhưng nhiều người e ngại nó có thể tiếp tay cho vấn nạn đẻ thuê, mục đích nhân đạo bị thương mại hóa. Theo ông, để tránh được những hệ lụy này, chúng ta phải có biện pháp nào?

 PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Đề phòng thương mại hóa, theo tôi cần phải có cách làm, chỉ đạo, triển khai chặt chẽ: Làm sao không để có người có thể sống được, kiếm tiền bằng mang thai hộ, tránh những tình trạng cò mồi.  

Theo tôi, Luật đưa ra các điều cụ thể ví dụ mỗi người chỉ được phép mang thai hộ một lần. Người mang thai hộ phải có các điều kiện về mặt sức khỏe, tuổi tác mới được chọn cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Vì khi mang thai hộ vẫn giống như người phụ nữ mang thai bình thường vẫn có biến cố trong sản khoa gặp ở bất cứ thai phụ nào. Trường hợp mang thai hộ cũng không tránh khỏi nguy cơ tai biến sản khoa.

Vấn đề thứ hai, theo tôi chúng ta nên chọn những người mang thai cùng họ hàng với người yêu cầu mang thai đảm bảo nhất và không để quá chênh lệch về tuổi tác ví dụ như cách nhau mấy chục tuổi. Điều này, chúng ta nên quy định rõ.

Thực tế ở Việt Nam đã cho phép hiến noãn, hiến tinh trùng và phôi. Chúng ta có quy định cụ thể nhưng điều đó vẫn bị thương mại hóa. Tình trạng "bán trứng", "bán tinh trùng" xuất hiện nhiều cùng với đó là chuỗi cò mồi xuất hiện khắp nơi, từ trên mạng internet đến ngoài cổng viện. Vậy luật quy định có đủ tránh tình trạng "đẻ thuê", thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Chuyện cò mồi bán trứng hay bán tinh trùng tôi thấy người ta nói nhiều nhưng chỉ có ở trong những người có nhu cầu. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi kiểm soát rất chặt. Chúng tôi dán các tờ rơi tuyên truyền cho người bệnh không tiếp xúc với lực lượng cò mồi. 

Ngay tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, chúng tôi liên tục thông báo cho người bệnh không nghe cò mồi. Còn để tránh chuyện thương mại hóa, tôi nghĩ chúng ta xiết chặt từ khâu cấp phép. Trước mắt, chúng ta chỉ cho một hoặc hai trung tâm ở hai miền nam - bắc làm việc này để dễ quản lý.

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Bởi vì, thực tế nhu cầu để những người đòi hỏi mang thai hộ không quá nhiều để nhiều trung tâm làm. Khi ít nơi làm, cơ quan liên quan dễ quản lý và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. 

Lý do thứ hai không cần mở rộng trung tâm làm việc này vì hiếm muộn đây không phải là bệnh lý cấp cứu do đó có thể di chuyển đến trung tâm cho phép triển khai kỹ thuật. Bệnh lý cấp cứu thì cần triển khai rộng nhưng trường hợp này không phải như thế.

Luật cho phép mang thai hộ nhưng chỉ cho những người trong họ hàng. Trong trường hợp người muốn nhờ người mang thai hộ nhưng đối tượng được nhờ theo quy định của pháp luật không đủ tiêu chuẩn như nhiều tuổi, không có người thân thì người không có khả năng sinh con mất cơ hội có con. Theo ông phải chăng quy định cho phép nhưng lại cố "gò" những người thực hiện?

 PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Luật đang gò quá vì ở chỗ chúng ta cứ sợ thương mại hóa dịch vụ. Nhưng nếu ta làm chặt chẽ, giám sát đúng thì không thể làm thương mại được. Hơn nữa, một người mang thai hộ mà kiếm sống cả đời thì cũng không thể. Không giống như hiến máu hay hiến noãn. Bản thân người mang hộ cũng không làm như thế nhiều lần vì vấn đề sức khỏe không cho phép. Mang thai hộ cũng mang nặng đẻ đau và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tôi cho rằng luật cũng không nên gò như thế. Trong trường hợp không có người nhà thì có thể người quen, bạn bè cũng được. Ví dụ trước đó quy định xin noãn cũng yêu cầu chỉ người nhà nhưng không thực hiện được nên sau này bạn bè cho nhau. 

Tôi chỉ nhắc lại rằng nếu kiểm soát tốt, đừng sợ hãi mà gò đến mức một người mang thai hộ phải là họ hàng. Chúng ta càng gò chặt quá, người dân có thể ra nước ngoài để thực hiện. Như vậy, chúng ta mất đi nguồn ngoại tệ rất lớn.

Theo ông, trong trường hợp mang thai hộ đến khi sinh con, người được nhờ mang thai lại không muốn trả con cho người nhờ, lúc đó phải làm như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Ngoài các quy định trên, cũng phải có bản cam kết mang tính chất luật dân sự để đứa trẻ sinh ra được đảm bảo quyền lợi và người mang thai hộ cũng đảm bảo và người nhờ cũng không bị đòi hỏi này nọ. Ở các nước trên thế giới như Hà Lan, Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan họ cũng đã làm được điều này. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ các nơi đã làm rồi để giảm bớt các điều ấy.
 
Về cơ sở vật chất, kỹ thuật tại Việt Nam có đảm bảo được cho việc mang thai hộ không? Nếu luật được thưc thi quy trình về mặt chuyên môn như nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến: Tôi khẳng định rằng kỹ thuật về thụ tinh trong ống nghiệm Việt Nam hơn nhiều quốc gia. Về chuyên môn, kỹ thuật hoàn toàn không đáng bàn vì kỹ thuật này chúng ta làm từ lâu và đạt kết quả tốt. 
Về kỹ thuật, mình nghe mang thai hộ có vẻ như rất lớn nhưng không khác nào hiến noãn mà chúng ta đã làm trên chục năm. Cái bàn đến là triển khai như thế nào, triển khai ra sao. Cơ sở nào để chúng ta có thể thực hiện tốt có thể dám nói chúng ta sẽ thực hiện tốt. 

Giống như hiến noãn, hiến phôi tuổi càng trẻ xác suất càng cao, không phải làm một lần là được ngay. Ví dụ người A nhận mang thai cho người B làm một lần không được, có thể làm nhiều lần, đến khi nào thành công mới thôi.

Vâng xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang