Chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao

author 15:45 27/02/2024

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn Xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong năm 2024 với nhiều cơ hội gia tăng trở lại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Song, cũng có khá nhiều thách thức mà doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu cần biết để có hướng đi phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường xuất khẩu này đặt ra.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Cũng trong năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thu về khoảng 96,78 tỷ USD, còn thị trường EU ước đạt 44,05 tỷ USD.

Các quy định về nhập khẩu trong năm 2024 chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển Xanh và sạch sẽ được thực hiện nhiều. Cụ thể là các cơ chế cân bằng carbon được áp dụng có liên quan trực tiếp đối với mặt hàng xuất khẩu như thép, xi măng, phân bón bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024.

Theo đó, các doanh nghiệp liên quan phải khai báo các bảng kê khai liên quan của EU tương đối phức tạp và cần có thời gian nghiên cứu; đối với các nhóm sản phẩm quy định về trách nhiệm đến hạn của quy định chống phá rừng của EU cũng sẽ áp dụng từ tháng 6/2024, yêu cầu các mặt hàng liên quan như xuất khẩu càphê, đồ gỗ, cao su phải thực hiện chứng nhận chống phá rừng và bộ quy định này cũng tương đối chi tiết và kỹ thuật, đòi hỏi tất cả doanh nghiệp của chúng ta có liên quan là phải kê khai chuẩn bị dữ liệu..

 Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, trong năm 2024 EU tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với tất cả các nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Cũng trong năm nay, EU cũng dự định đưa ra các quy chế về Ecodesign (thiết kế sinh thái) trong ngành dệt may với yêu cầu giảm thiểu tối đa những vấn đề rác thải trong lĩnh vực dệt may. Đối với mặt hàng nông sản thì chương trình “từ nông trại đến bàn ăn” cũng dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật... Tất cả cho thấy các quy định về kinh tế Xanh, sạch sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn tại Liên minh châu Âu.

Năm 2024, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bước vào năm thứ tư thực thi. Việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường châu Âu giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á đang rất mong có hiệp định thương mại tự do với EU.

Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, nhanh chóng xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này.

Để tận dụng cơ hội và phát triển xuất khẩu bền vững tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu, đồng thời, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu..

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang