Chủ tịch Quốc hội: Thông tin chưa đầy đủ nên bị thế lực xấu xuyên tạc

author 16:27 22/01/2019

"Chỉ khi nào báo chí tạo niềm tin vững chắc của độc giả, cử tri thì định hướng thông tin, đấu tranh với luận điệu sai trái, xuyên tạc phát huy hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 vào chiều 21/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đổi mới của các cơ quan thông tấn báo chí trong thông tin về hoạt động Quốc hội.

Theo bà, nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục có thể nhận thấy báo chí đưa tin đầy đặn hơn, bám sát hơn hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội. Cách chuyển tải thông tin cũng phong phú, đa dạng, sáng tạo hơn...

"Qua báo chí, Quốc hội gần gũi với cử tri, với nhân dân. Cử tri có cơ sở đánh giá hoạt động Quốc hội và đại biểu Quốc hội", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói và khẳng định việc phát huy vai trò báo chí trong thông tin về hoạt động Quốc hội là rất cần thiết. Đặc biệt là tuyên truyền nội dung các dự án luật đang được xem xét, thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn phóng viên khi đưa tin về công tác lập pháp cần hiểu sâu sắc nội dung trong chính sách, dự án luật đang được nghiên cứu xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: Quang Phúc.

Đồng thời phải thực sự là diễn đàn thảo luận, phản biện nội dung chính thức trong các chính sách, dự án luật. Muốn vậy, ý thức trách nhiệm của phóng viên báo chí là hết sức quan trọng.

"Dân rất tin báo chí. Chỉ khi nào báo chí tạo niềm tin vững chắc của độc giả, cử tri thì định hướng thông tin, đấu tranh với luận điệu sai trái, xuyên tạc phát huy hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, bà Ngân cho rằng đơn vị cung cấp thông tin và báo cần rút kinh nghiệm, khi vừa qua có nội dung thông tin chưa đầy đủ nên bị thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc.

Đưa dẫn chứng về Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, bà nhận định dự luật nhận nhiều phản ứng từ dư luận ngay trước thời điểm dự kiến được thông qua, hiện phải tạm dừng, chưa có kế hoạch cụ thể được đưa lại nghị trường.

Theo đó, với dự án luật này, các cơ quan Quốc hội chưa chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, báo giới cũng chưa chủ động quan tâm tìm hiểu, đưa tin nên thông tin đưa ra dư luận chưa đầy đủ.

"Điều đó dẫn tới bị lợi dụng, bóp méo, kích động khiến người dân hiểu lầm là luật nêu chủ trương cho nước ngoài (nhất là Trung Quốc) thuê đất tại các đặc khu với thời hạn tới 99 năm. Trong khi đó, không có một câu nào trong luật có từ Trung Quốc. Do đó, luật chưa được thông qua, ban hành thì người dân phản đối", Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Lãnh đạo Quốc hội chia sẻ với phóng viên báo chí. Ảnh: Quang Phúc.

Trao đổi thêm tại buổi gặp mặt, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết năm 2018 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng XII, nghị quyết của Quốc hội khóa XIV với tinh thần đổi mới, ngày càng dân chủ, hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn.

Quốc hội đã kiện toàn nhân sự cấp cao, nhất là việc bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước được dư luận đặc biệt quan tâm; thông qua 16 dự án luật; phê chuẩn CPTTP và các văn kiện liên quan; tổ chức thành công Hội nghị thường niên APPF...

Quốc hội cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn một cách thận trọng, chu đáo, đúng quy định của pháp luật.

"Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, việc cải tiến hình thức "hỏi nhanh - đáp gọn" đã tăng cường tính đối thoại, tranh luận trên nghị trường. Số lượt đại biểu chất vấn và tranh luận cũng như số lượng thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời đạt mức cao nhất từ trước tới nay", ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Theo Zing

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang