Chương trình hài: Báo động về nội dung và giá trị thẩm mỹ

author 07:22 11/03/2017

(VietQ.vn) - Nhiều chương trình hài nhàm chán, nhảm nhí, tiếng cười nhạt nhẽo, thậm chí diễn viên hài còn nói, thấy nhảm nhí thì hãy tắt tivi. Điều này khiến người xem cảm thấy thiếu được tôn trọng và đặt câu hỏi: Vậy diễn viên đóng hài để làm gì?

Nhảm và nhạt

Nếu trước đây, trên VTV với các chương trình “Trong nhà ngoài phố” hoặc “Gặp nhau cuối tuần”, sau này là “Gala cười”, “Siêu thị cười” xuất hiện với tần suất vừa phải, thì nay, tần suất ấy tăng theo cấp số nhân với hàng loạt chương trình mới xuất hiện liên tục. Nhiều kênh truyền hình đầu tư hàng loạt chương trình hài kịch như: "Tài tiếu tuyệt”, "Hội ngộ danh hài”, "Siêu thị cười”, "Tiếng cười sinh viên", “Thách thức danh hài”. Các đài truyền hình địa phương cũng không kém cạnh...

Thí sinh diễn cười dễ dàng đạt giải cao trong chương trình Thách thức danh hài do Công ty Điền Quân tổ chức, nhãn hàng Hoa Thiên bí quyết trẻ đẹp tài trợ, khiến khán giả ''không phục''.
 Thí sinh diễn cười dễ dàng đạt giải cao trong chương trình Thách thức danh hài do Công ty Điền Quân tổ chức, nhãn hàng Hoa Thiên bí quyết trẻ đẹp tài trợ, khiến khán giả "không phục". Ảnh internet

Để thu hút khán giả truyền hình trong thời buổi khó khăn và lắm cạnh tranh, nhiều nhà đài cũng đã có ý thức đầu tư kỹ càng hơn cho các chương trình hài kịch tránh sự nhàm chán. Những chương trình hài khác thì chuyển hướng từ việc diễn các tiểu phẩm, hài kịch ngắn... sang các chương trình truyền hình thực tế hài, games show hài, hoặc thể loại hài kịch tình huống... Tuy nhiên, kết quả của sự đầu tư ấy không phải lúc nào cũng như mong muốn, rất nhiều tình huống hài nhảm nhí, thô tục vẫn xuất hiện trên truyền hình...

Chị Nguyễn Thị Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) một khán giả rất thích xem phim hài chia sẻ: "Trước đây tôi còn thấy phim Hài nó hay, bây giờ kiểu xem để giết thời gian thôi, diễn viên đóng cũng nhạt mà nội dung cứ quay đi quay lại những vấn đề cũ. Rồi thì xem Hài mà như xem quảng cáo, chẳng có gì hấp dẫn để mà cười cả. Có mỗi phân cảnh mà diễn đi diễn lại chỉ là đối thoại, không có gì gây cười."

Đồng quan điểm, anh Trịnh Thế Quyền, Hà Đông cho rằng: "Mình thấy các chương trình hài trên truyền hình có nội dung nhạt, chủ yếu tiếp nối lối khai thác truyền thống với những câu chuyện dở khóc dở cười phía sau luỹ tre làng của đám trai làng ế vợ, thói hám danh - hám lạ của những kẻ “trưởng giả học làm sang”, những câu chuyện bi hài về phẫu thuật thẩm mỹ, sự đổi thay của những người dân ở thôn quê khi lên thành thị, những người trẻ mải mê chạy theo mạng ảo rồi ảo tưởng về bản thân… Quẩn quanh những đề tài cũ, câu chuyện cũ".

Băn khoăn lớn nhất của công chúng lẫn giới làm nghề là chất lượng của những vở kịch hài, những chương trình hài này sẽ ra sao khi chúng ngày càng rơi vào sự hụt hơi, hời hợt và nhảm nhí. Thiếu các vở kịch hài đầy đặn và có chiều sâu tư tưởng xã hội nên những chương trình hài trên truyền hình khó có sức sống, không đọng lại được trong lòng khán giả.

Vì đâu nên nỗi?

Dư luận cho rằng, một trong những lý do khiến chương trình hài nở rộ mà lại rơi vào tình trạng trượt dốc về chất lượng là do kịch bản kém, đơn điệu. Tấu hài cần làm phong phú kịch bản hơn là cứ chung chung và đơn điệu với các mô típ vợ chồng ngoại tình hay chuyện của ông giám đốc, cô thư ký, thậm chí mang cả những khuyết tật của cơ thể ra làm trò cười, bí quá thì dùng các kịch bản của nước ngoài...

Mới đây, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Lê Duy Hạnh chia sẻ trên báo chí, hạn chế của các chương trình hài trên truyền hình còn do các ê-kíp chi phối, tiền bạc bị cắt xén khiến chất lượng sa sút. Việc các chương trình hài truyền hình xuất hiện dày đặc nhưng không đầu tư, chăm sóc về nội dung, giá trị thẩm mỹ là điều đáng báo động".

Bên cạnh đó, thực tế là nghệ sĩ hài đã không còn nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn, không còn tâm sức để tìm kiếm những kịch bản tốt, bởi truyền hình chỉ đòi hỏi ở họ sự xuất hiện chứ không mấy khi quan tâm đến chất lượng. NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ hài khá đắt show trên truyền hình, từng nói: Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài “mậu dịch”, ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là chuyện thoáng qua nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm. Có lẽ chính bởi cái quan niệm hài trên truyền hình là “hàng miễn phí” tồn tại ngay trong chính các nghệ sĩ hài nên khán giả buộc phải “ăn”  những “món ăn”  nhạt muối và không hợp khẩu vị?

Mới đây, nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ trên báo Thanh niên rằng, theo tôi, người mang đến tiếng cười cho khán giả cũng giống như một người đầu bếp. Nếu chúng ta nấu món ăn ngon thì chúng ta sẽ tạo ra thói quen cho mọi người biết thưởng thức món ăn ngon. Đừng đổ lỗi cho khán giả mà chúng ta hãy đem đến những tiếng cười tử tế cho khán giả. Muốn làm được điều đó thì đừng nên quan niệm rằng nghệ thuật chỉ là phương tiện để chúng ta kiếm tiền mà đó là một lãnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc, tài năng và cái tâm của người nghệ sĩ.

Thứ hai là các nhà sản xuất chương trình và các đài truyền hình chỉ chú trọng đến số lượng người xem để thu hút quảng cáo (đồng nghĩa với lợi nhuận) mà quên đi ý nghĩa thiết thực cần phải có của một chương trình đối với khán giả nên đã tạo nên những tác động xấu, những sự ảnh hưởng tai hại cho tâm lý khán giả; nhất là đối với trẻ con vốn cần những bài học trong sáng đẹp đẽ, góp phần cho sự hình thành nhân cách của con người sau này. Đừng quên rằng giáo dục là một trong những chức năng của nghệ thuật. Và cuối cùng là do các nhà quản lý đã không có biện pháp cứng rắn để làm cho bộ mặt nghệ thuật ngày được sáng sủa hơn.

Nói chung, rất nhiều thứ để tạo nên một bức tranh ảm đạm của làng hài hiện nay. Tình trạng này cũng đã tổn tại khá lâu đến bây giờ thì giống như “tức nước vỡ bờ”. Cách đây nhiều năm, làng hài chưa nói tục nhiều, cũng chưa buông lỏng như hiện nay nhưng thật sự, sân khấu hài ngày đó cũng không được như mong muốn khi nó đã bắt đầu trượt dốc. Nhiều người lên tiếng nhưng cũng không thể nào kiềm chế được bước chân A-sin, để cho mọi thứ cứ trượt dài, trượt dài...

Nghệ sĩ Trấn Thành trả lời báo giới mới đây cho rằng: ''Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi''. Ảnh internet

 Nghệ sĩ Trấn Thành trả lời báo giới mới đây cho rằng: "Thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi". Ảnh internet

Tôi không hề có ác cảm với bất cứ cá nhân nào. Ngay cả việc nói ra có thể cũng sẽ tạo cho tôi những bất lợi như bị người khác hiểu lầm chẳng hạn. Thế nhưng những điều tôi nói ra là vì cái tâm của mình với nghề. Tôi cảm thấy quá đau lòng khi cái nghề của mình đáng lẽ phải được trân trọng, phải có tác động tích cực nào đó đến khán giả, đến xã hội, đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Thật sự, quá đau lòng cho làng hài!

Quả thật tất cả các đĩa video hài hiện nay đang lạm dụng quảng cáo quá nhiều. Phim thì ít chủ yếu là quảng cáo. Xem hài mà khán giả cảm thấy ức chế khi bị ép bắt buộc phải xem thương hiệu các sản phẩm. Vẫn biết rằng để tồn tại các nhà sản xuất phải tìm tới các mạnh thường quân. Vì thực tế ở nước ta nạn băng đĩa lậu vẫn hoành hành, 90% đĩa video hài trôi nổi trên thị trường hiện nay là đĩa lậu. Vì thế, nếu không có các mạnh thường quân, thì sản xuất đĩa hài chắc chắn sẽ lỗ. Tuy nhiên, cho dù vậy không phải để làm đẹp lòng các mạnh thường quân mà các nhà sản xuất bắt khán giả phải chịu trận, không biết xem hài hay là xem quảng bá về các sản phẩm là chính.

Không những thế, dạo quanh thị trường hài, ta vẫn thấy hầu hết những gương mặt cũ. Cho dù các nhà sản xuất đã có ý thức tìm những gương mặt mới để câu khách nhưng buồn thay những gương mặt mới lại chủ yếu là những người mẫu, ca sĩ… nghệ sĩ có sắc nhưng không có “hương”, có ngoại hình nhưng không có chuyên môn nên diễn vẫn còn ngô nghê, gượng, vụng…. Có lẽ vì thế mà tiếng cười ở các sản phẩm hài đã nhạt lại càng nhạt thêm.

Giải pháp nào cho làng Hài Việt?

Bao năm qua những nhà làm phim hài chật vật chống nhạt nhưng xem chừng căn bệnh nhạt vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. 

Theo nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM,  để hài truyền hình có chất lượng phải nâng cao trình độ biên tập, diễn xuất của diễn viên hài, đồng thời thẩm định trình độ của người viết kịch bản, đạo diễn trước khi mời cộng tác để biết họ có đủ sức tạo hiệu quả cho tiếng cười có ích dù chỉ là một tiểu phẩm hài dài 15 phút".

Trần Thanh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang