Chuyển đổi chiến lược tăng trưởng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng TFP

author 09:07 31/03/2023

(VietQ.vn) - Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng năng suất của mọi quốc gia. Bởi lẽ khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên, không bị hạn chế về số lượng như nguồn vốn, lao động.

Trải qua quá trình hơn 30 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động, đồng thời, hơn một nửa dân số đã thoát khỏi nghèo đói, chất lượng cuộc sống từng bước được cải thiện.

Về tốc độ tăng năng suất lao động, bình quân giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động của Việt Nam tăng 5,77%, cao hơn mức tăng bình quân 4,35% của giai đoạn 2011 - 2015. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở châu Á.

Tuy nhiên, dù đã đạt một số kết quả khả quan trong nâng cao năng suất, song Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. 

PGS. TS TrầnThanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Thanh Tùng. 

Nói về tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ trong nâng cao năng suất chất lượng của mỗi quốc gia, tại Tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, PGS. TS Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng năng suất của mọi quốc gia. Bởi lẽ khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên, không bị hạn chế về số lượng như nguồn vốn, lao động. Thực tế cho thấy khoa học công nghệ có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tại Việt Nam, chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu – nước mạnh – dân chủ – công bằng – văn minh. Vì vậy, việc áp dụng năng suất chất lượng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… luôn là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và tránh lạc hậu phía sau.

Còn theo TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hấp thu khoa học công nghệ giúp nâng cao năng suất. Ảnh minh họa.

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Cũng theo ông Hiệp, trước những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh về chiến lược để tăng trưởng năng suất, dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng TFP. Điều này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam phát triển đồng bộ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy khoa học và công nghệ làm trọng tâm.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang