Thực trạng các vấn đề liên quan đến thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Yên

author 11:20 14/03/2023

(VietQ.vn) - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tới khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Tập trung vào các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo. Mô hình điểm là các mô hình điển hình về cải tiến năng suất, có thể trở thành các bài học thành công để các doanh nghiệp khác học hỏi, qua đó thúc đẩy phong trào cải tiến năng suất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo báo cáo kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 và định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2025 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn 2016-2020, đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng đóng góp của tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng GRDP đạt 32%, so với mục tiêu phải đạt: 30-32%. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN có đổi mới; tiềm lực KH&CN được nâng lên; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN trên các lĩnh vực được đẩy mạnh, chất lượng, hướng đến hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành 3 doanh nghiệp KH&CN, bước đầu thương mại hóa sản phẩm khoa học mang lại hiệu quả kinh tế.[1]

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 18/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, đặt ra mục tiêu chung là: Phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực, nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên nhanh và bền vững.

Tỉnh Phú Yên hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo

Có 8 nhóm mục tiêu cụ thể cần đạt được, gồm: (1) Nâng tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đạt hơn 35% và tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025. Phấn đấu 90% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống. (2) Phấn đấu đến năm 2025, hình thành không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phục vụ chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho các tỉnh, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên; sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ; tổ chức sự kiện kết nối cung – cầu công nghệ. (3) Hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 05 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ xây dựng ít nhất 05 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; ít nhất 01 doanh nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo; 05 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (4) Hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho ít nhất 20 sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tăng ít nhất 50% so với giai đoạn 2016-2020. Thẩm định về công nghệ đối với 100% dự án đầu tư mới vào tỉnh, kiên quyết không cấp phép dự án sử dụng công nghệ hạn chế hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. (5) Tăng tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 05-07 người/một vạn dân; hình thành 05 nhóm chuyên gia nghiên cứu khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghệ sinh học và môi trường; công nghệ thông tin; y dược; kỹ thuật cơ khí – chế tạo máy và điều khiển, tự động hóa. (6) Phấn đấu đến năm 2025, 100% tổ chức khoa học và công nghệ công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. (7) Xây dựng chương trình chuyển đổi số và khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0, phát triển hạ tầng mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. (8) Phấn đấu bố trí ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đạt 2% tổng chi hàng năm.

Về hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất doanh nghiệp

Theo báo cáo báo cáo kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 và định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2025 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng đã được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua, năm 2016-2020 đã hỗ trợ kinh phí cho 08 doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ cho 07 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về các hệ thống quản lý, công nghệ tiên tiến ISO 9001:2008 và ISO 2200:2005[2] và 01 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia[3].

Tuy nhiên, dự án Năng suất chất lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện nay việc hỗ trợ cho DN chỉ dừng ở mức các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, Giải thưởng chất lượng quốc gia. 

Qua khảo sát sơ bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động, thiếu chuyên gia; khó khăn trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; khó khăn trong lưu thông hàng hóa và khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước ….

Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa trở lên, các hệ thống quản lý năng suất chất lượng cơ bản đã được các doanh nghiệp nhận biết và áp dụng, như hệ thống ISO 9000, hệ thống ISO 22000, 5S, tuy nhiên mức độ áp dụng cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có mong muốn và sẵn sàng tham gia các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng của tỉnh. Nhu cầu hỗ trợ cũng có khác nhau, một số doanh nghiệp cần hỗ trợ về kinh phí, và một số cần có sự hỗ trợ về chuyên gia và đào tạo.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2021- 2025 là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về năng suất chất lượng cho khoảng từ 10 đến 20 cán bộ, công chức, chuyên gia thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng cho cán bộ, công chức; đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng tại chỗ cho địa phương. Tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 5-10%. Lựa chọn ít nhất 02 doanh nghiệp để hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Vận động, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 03 doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 là số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%. Có ít nhất 05 doanh nghiệp đã xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các cơ quan, đơn vị cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng; đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định, thử nghiệm, đánh giá chứng nhận nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đại diện doanh nghiệp để thông tin tuyên truyền và vận động doanh nghiệp tham gia kế hoạch. Lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng yêu cầu của kế hoạch và theo quy định của pháp luật về đấu thầu; ký kết hợp đồng đào tạo; theo dõi, giám sát quá trình tổ chức đào tạo; thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí sau khi hoàn thành. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng, đề xuất chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh và một số nội dung khác có liên quan phù hợp với địa phương. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tới khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Tập trung vào các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo. Mô hình điểm là các mô hình điển hình về cải tiến năng suất, có thể trở thành các bài học thành công để các doanh nghiệp khác học hỏi, qua đó thúc đẩy phong trào cải tiến năng suất.

Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cải tiến năng suất còn nhằm tới xây dựng các nền tảng cho hoạt động cải tiến năng suất, bao gồm các hoạt động giáo dục, đào tạo, cải thiện chính sách, cải thiện năng suất chất lượng dịch vụ.

Công tác đào tạo, tập huấn tiếp tục được triển khai để hỗ trợ tốt cho phong trào năng suất chất lượng tại địa phương. Các cán bộ, công chức, viên chức liên quan cũng cần có các kiến thức căn bản để thiết kế các chương trình phù hợp. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của doanh nghiệp được trang bị kiến thức để chủ động triển khai các giải pháp cải tiến năng suất tại đơn vị.

__________________________________________

[1] Nguồn: Sở KHCN, báo cáo tổng kết hoạt động KHCN giai đoạn 2016-2030,

[2] : Doanh nghiệp Công ty TNHH VLXD Gia Thành; Công ty TNHH XD Tiến Lâm; Công ty TNHH SX&TM Phi Hùng; Đại diện Tổng công ty Thành Trung văn phòng đại diện tại Miền Trung; Công ty CP XD TM&DV Hataco; Công ty TNHH TM& thủy sản Ngọc Tùng; Công ty TNHH Nguyễn Hưng.

[3] Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam.

ThS. Lê Xuân Biên - Viện Năng suất Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang