Chuyển đổi số song song chuyển đổi xanh- Giải pháp doanh nghiệp bứt phá trong thời đại 4.0

author 13:16 09/04/2024

(VietQ.vn) - Cùng với xu thế phát triển trên toàn cầu, việc chuyển đổi số song song với chuyển đổi xanh hay còn gọi là “Chuyển đổi Kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội…

Chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh

Ngày 9/4/2024, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh.

Báo cáo là ấn phẩm thường niên hàng năm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Cục Phát triển doanh nghiệp chủ trì.

Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS của các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh

“Đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của CĐS. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn”- ông Nguyễn Đức Trung cho hay.

Thời gian qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Cùng với đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, gọi là “Chuyển đổi Kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Theo Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp, nắm bắt được xu hướng tất yếu này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh”.

Trên cơ sở đó, Cục Phát triển doanh nghiệp đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh”, đây là ấn phẩm thường niên nhằm cung cấp thông tin và xu hướng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đúng hướng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, Báo cáo cũng tiếp tục công bố các số liệu thường niên về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp và những nỗ lực của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Cần có tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp 

Nói về những điểm nổi bật của Báo cáo năm 2023, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên- Cục phát triển doanh nghiệp cho biết, Báo cáo Thường niên CĐS doanh nghiệp 2023 có ba điểm nổi bật. Đó là, thuật ngữ ‘Chuyển đổi Kép’- xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Tại Việt Nam công nghệ số và CĐS cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Thứ hai, phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) năm 2023. Sự hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống CNTT cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn tới mức độ sẵn sàng CĐS của các khía cạnh Chuỗi cung ứng và Hệ thống CNTT & quản trị dữ liệu hiện ở ngưỡng thấp nhất trong 7 khía cạnh.

Thứ ba, Kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7 – 1.4 điểm so với năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của CĐS, chủ động tích hợp các mục tiêu CĐS vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án CĐS.

Thứ tư, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về CĐS nhưng lại khó thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết để doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Với sự hỗ trợ của chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, Báo cáo 2023 tập trung vào “Chuyển đổi kép” - CĐS song song với chuyển đổi xanh, cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp DN có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi Kép, từ đó có thêm những thông tin hữu ích để quyết tâm hơn trong hành trình đổi mới và cải tiến DN nhằm đạt được những thành công bền vững- ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS của các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của CĐS. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang