Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Trái ngọt đầu mùa và những rào cản nội tại

author 06:46 19/09/2021

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp gặt hái được quả ngọt đầu mùa giữa đại dịch, nhưng để thực sự bền vững cần gắn liền với thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, kinh doanh.

Từng bước chuyển đổi số

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (VINASME), trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%; số lượng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45%. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay đã có  gần 80.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Những thống kê nêu trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi số doanh nghiệp “chết lâm sàng”, phá sản, phải sa thải lao động, dừng hoạt động ngày một nhiều khi diễn biến của dịch vẫn hết sức khó lường.

Giữa hoàn cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp xác định tinh thần “sống chung với dịch”, đồng thời có những giải pháp như bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp hành và giao việc đều chuyển đổi sang online. Nhiều thay đổi rất nhanh đến mức nhiều người chưa kịp gọi tên, thật ra theo nhận định của các chuyên gia, đó chính là câu chuyện đã được nói rất nhiều thời gian gần đây: Chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp gặt hái được nhiều quả ngọt giữa đại dịch. Ảnh minh họa. 

TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu việc các doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành hiệu quả, đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%.

Trong đó, lợi ích nhìn thấy rõ của chuyển đổi số là: không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu..., tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; việc số hóa dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch...

Vượt qua rào cản

Chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp gặt hái được quả ngọt đầu mùa giữa đại dịch, nhưng để thực sự bền vững cần gắn liền với thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, kinh doanh, không đơn thuần là mua những nền tảng công nghệ về ứng dụng là xong. Trong câu chuyện chuyển đổi số, đây dường như chỉ mới là khúc dạo đầu, phía trước vẫn còn nhiều rào cản và bản thân bên trong các doanh nghiệp vẫn còn những “giằng xé” với cái cũ.

Cụ thể, theo số liệu thống kê do Bộ Công thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành đối với gần 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 thì có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết: Cả nước hiện mới chỉ có 15% doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi số, còn hơn 70% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số và phản ứng thụ động với thay đổi của thị trường.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam nhưng trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Nhưng theo các chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất để chuyển đổi số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay nghe nhiều, nói nhiều về chuyển đổi số nhưng hành động thì rất ít. Tham gia hội nghị, hội thảo về lĩnh vực này quá nhiều nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp ít có chuyển biến. Họ thường trì hoãn việc chuyển đổi số vì mấy lý do: hiện tại đang ổn; còn lúng túng, không biết làm thế nào; không sẵn sàng thay đổi (hoặc sợ thay đổi).

Vì vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, người lãnh đạo, người đứng đầu cũng cần sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định; loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức…

Hiện, nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức - tài chính và chỉ định giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt, “cánh tay phải” của Ban lãnh đạo - nhân vật có tầm ảnh hưởng tới định hướng và định hình của doanh nghiệp trong tương lai.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang