Chuyên gia bàn về vai trò của Tiêu chuẩn quốc gia trong nâng cao chất lượng hàng Việt

author 12:54 25/03/2020

(VietQ.vn) - Ngày 25/3, trên Chất lượng Việt Nam Online diễn ra tọa đàm trực tuyến về vai trò quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với việc nâng cao chất lượng hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Với hơn 11.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực gần 60%, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và trở thành “bệ đỡ” vững chắc, góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã coi vấn đề tiêu chuẩn và chất lượng trở thành giá trị cốt lõi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình trong tiến trình đưa hàng Việt ra thế giới.

Để cùng thấy rõ vai trò của tiêu chuẩn trong việc nâng cao chất lượng cho hàng Việt, đóng vai trò quan trọng trong định vị thương hiệu khẳng định vị thế cạnh tranh tại thị trường trong nước và tham gia sân chơi thương mại toàn cầu, Chất lượng Việt Nam Online tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến: "Tiêu chuẩn quốc gia – Chuẩn mực quan trọng nâng tầm chất lượng hàng Việt" với sự tham gia của các vị khách mời:

+ Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

+ Ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội KHKT Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam

+ Ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Giovanni Group

+ Ông Lê Xuân Hoàn – TGĐ Tập đoàn Kangaroo

Phần I: Tiêu chuẩn – “bệ đỡ” nâng cao chất lượng hàng Việt

MC: Xin dành câu hỏi đầu tiên cho ông Trần Văn Học. Thưa ông, với nền tảng chất lượng là hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đến nay đã khá đầy đủ với mức độ hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Ông đánh giá như thế nào sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực này?

Ông Trần Văn Học - Phó Chủ tịch Hội KHKT Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam. 

Ông Trần Văn Học: Như chúng ta đã biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng phát triển tiêu chuẩn hóa như là một trong những hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế và hội nhập với quốc tế và khu vực, trên cơ sở đó nâng cao trình độ chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa của nước ta là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập với quốc tế và khu vực khi chúng ta sớm tham gia là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như Liên minh viễn thông quốc tế ITU (1975); Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế-ISO (năm 1977); Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX (1989), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế-IEC (2002), Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN-ACCSQ (1995), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC-SCSC (1998), Diễn đàn Tiêu chuẩn khu vực Thái Bình Dương-PASC (1989).

Năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%). Kết quả của các nỗ lực này đã đưa tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam lên mức tương đối cao (năm 2019 đạt 54% và dự kiến đến năm 2020 đạt 60%), trong đó lĩnh vực có tỷ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là Điện-Điện tử và Thực phẩm (>80%).

Có thể nói đây là tiền đề rất quan trọng giúp các doanh nghiệp của chúng ta nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực trong những năm tới khi chúng ta đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương.

MC: Thưa bà Hạnh, theo bà vai trò của tiêu chuẩn trong việc tạo nền tảng cho hàng hóa Việt Nam bước vào thị trường quốc tế được thể hiện như thế nào?

Bà Vũ Kim Hạnh: Tiêu chuẩn chất lượng là "chìa khóa" mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu nhưng cũng là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế hiện có 6 nhóm: Quy định và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm; an toàn cho người sử dụng; môi trường; trách nhiệm xã hội; ghi nhãn sản phẩm; nguồn gốc xuất xứ. Hội nhập càng sâu rộng thì rào cản kỹ thuật càng tinh vi, phức tạp và khó vượt. Hơn 25 năm làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tôi nhận thấy, tiêu chuẩn có hai mặt: Tiêu chuẩn về kỹ thuật và tiêu chuẩn từ thị trường là thứ tiêu chuẩn liên quan tâm lý, hành vi, nhu cầu, kỳ vọng của người tiêu dùng. Đó là điều kiện cần và đủ. Để hội nhập, sản phẩm Việt Nam nhất thiết cần phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật.

MC: Vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được thể hiện như thế nào thưa ông Học, nhất là đối với hàng xuất khẩu khi Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều FTA?

Ông Trần Văn Học: Từ những năm đầu của thập kỷ 60, khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được phát triển và ngày càng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế với trên 11.500 TCVN, hơn 780 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều chương trình tiêu chuẩn hoá cấp nhà nước, ngành và đặc biệt ở cấp cơ sở (doanh nghiệp) đã được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về công tác tiêu chuẩn và chất lượng, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.

MC: Là chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, ông có chia sẻ gì đối với doanh nghiệp trong việc phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa tại doanh nghiệp hiện nay?

Ông Trần Văn Học: Hoạt động tiêu chuẩn hóa đã xuất hiện cách đây hơn 5000 năm và nó luôn đồng hành và hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội loài người, từ chỗ phát triển tự phát đến phát triển có tổ chức với sự ra đời của hàng trăm tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia và với sự tham gia của hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng, rất cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Điều này đã được minh chứng qua rất nhiều ví dụ thành công của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.

Vì vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng cho tất cả cán bộ nhân viên đặc biệt là người đứng đầu.

Khi đã có nhận thức và kiến thức cần thiết doanh nghiệp cần hoạch định phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa của mình với sự tham gia của tất cả các bộ phận của doanh nghiệp. Đồng thời, để có thể phát triển bền vững và dài hạn nên hướng tới có một chiến lược tiêu chuẩn hóa cho công ty. Kế hoạch chiến lược này cần xoay quanh việc thiết lập hạ tầng chất lượng dựa trên tiêu chuẩn hóa của doanh nghiệp như đã nói ở trên trên cơ sở từ thấp đến cao tùy theo mục tiêu và tiềm lực của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Kế hoạch này cần lấy việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn công ty làm trọng tâm trong giai đoạn đầu nhằm thiết lập nền tảng cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

MC: Theo bà vai trò của cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, phổ cập tiêu chuẩn cho doanh nghiệp?

Bà Vũ Kim Hạnh: Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc hiểu về tiêu chuẩn chưa tới. Do đó, cần nâng cao vai trò quyết định của nhà nước trong dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông, triển khai trong doanh nghiệp và nông dân; giám sát, theo dõi nắm chắc thông tin thị trường.

Cụ thể là cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nông dân trong xây dựng tiêu chuẩn; xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn cho doanh nghiệp và nông dân; đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; thực hiện truyền thông cho xã hội, người tiêu dùng hiểu rõ vai trò của tiêu chuẩn.

Phần II: Doanh nghiệp Việt đón sóng hội nhập

MC: Thưa ông Học, cạnh tranh bằng chất lượng, thực sự đang là thách thức của không ít doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn để hàng Việt có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng ở bất kỳ thị trường nào theo ông các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Ông Trần Văn Học: Để hàng Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên mọi thị trường, thì chắc chắn các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình thông qua việc xây dựng một hạ tầng chất lượng bền vững trên cơ sở tiêu chuẩn hóa. Hạ tầng chất lượng này cần được cấu thành bởi:

Hệ thống tiêu chuẩn công ty đồng bộ bao quát mọi hoạt động của doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, quản lý tổ chức đến các vấn đề an toàn, môi trường, trong đó các tiêu chuẩn về sản phẩm và dịch vụ cần hài hòa tối đa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, phù hợp với nhu cầu của thị trường và chiến lược của công ty;

Hệ thống đo lường, thử nghiệm và hiệu chuẩn tại cơ sở cần có trình độ tiên tiến, hài hòa với quốc tế, đảm bảo tốt việc kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh;

Công nghệ phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện hành và đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn và cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.

Cần có lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng chất lượng của doanh nghiệp phù hợp với năng lực tài chính và mục tiêu kinh doanh trong từng thời kỳ.

MC: Thưa bà Hạnh, được biết Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập, mục tiêu của bộ tiêu chí này là gì, thưa bà?

Bà Vũ Kim Hạnh: Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập được xây dựng trên cơ sở hợp tác với các cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Amcham, Eurocham...

Bộ tiêu chí chọn ra những tiêu chí phổ quát nhất của VN từ các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận của nền kinh tế các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Singapore… Các tiêu chuẩn cũng được xây dựng trên cơ sở những tiêu chuẩn bắt buộc mà các thị trường nhập khẩu lớn thế giới đang yêu cầu. Bên cạnh đo lường bằng thương hiệu, mẫu mã, bao bì, quảng cáo, dịch vụ khách hàng, mạng lưới phân phối… từ người tiêu dùng, danh hiệu Hàng VN chất lượng cao cần tiến thêm một bước nữa là đo lường được chất lượng sản phẩm bằng tiêu chuẩn khoa học đã được minh bạch của nhà sản xuất.

Trước mắt, bộ tiêu chí áp dụng cho doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng VN chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn và doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải tuân thủ chất lượng, quy định của Nhà nước, đạt tiêu chuẩn chất lượng bao gồm chuẩn chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

MC: Ngoài yếu tố kỹ thuật, nhân lực, tiêu chuẩn chất lượng đóng vai trò như thế nào trong định vị thương hiệu?

Bà Vũ Kim Hạnh: Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế thì có thể hội nhập, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Có thể khẳng định, sự bình chọn và tin cậy của người tiêu dùng là một tiêu chuẩn đúng đắn nhưng trong giai đoạn hội nhập mới, chừng ấy là không đủ. Cần có bộ đôi tiêu chuẩn: tiêu chuẩn mềm là sự nhìn nhận của người tiêu dùng và tiêu chuẩn kỹ thuật phải phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đang được thừa nhận rộng rãi trên thị trường thế giới. Đạt được điều này doanh nghiệp mới có thể nói tiếp câu chuyện đường dài.

Ông Lê Xuân Hoàn - Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo.

MC: Thưa ông Hoàn, Kangaroo là doanh nghiệp mạnh về hàng tiêu dùng, quan điểm của ông về "xây" và "giữ" thương hiệu như thế nào trong nền kinh tế hiện nay?

Ông Lê Xuân Hoàn: Xây 20%, giữ 80%. Xây dựng thương hiệu chỉ là những giá trị ban đầu, nền móng, nhưng ở đó cần có 1 ý tưởng lớn và riêng biệt. Khi chúng tôi thành lập Kangaroo, chúng tôi ước mong về một nguồn nước sạch, về một đời sống gia đình khỏe mạnh với các thiết bị gia dụng hiện đại để chăm sóc, giải phóng người phụ nữ. Chúng tôi đã làm được trong vòng 3 năm sau đó với chỉ chưa đến 100 nhân sự. Nhưng để giữ được cho thương hiệu phát triển, chúng tôi đã cần 15 năm và sẽ cần hàng trăm năm tiếp theo để có một thương hiệu Kangaroo Việt Nam luôn được toàn thế giới yêu mến. Ở đó cần có ý chí, có sự nỗ lực và một tình yêu lớn không ngừng nghỉ với chính doanh nghiệp của mình, với ước mơ của mình và sự cộng hưởng của tính nhạy bén, độ "cảm” thị trường trong từng bối cảnh.

MC: Đối với EVFTA, ông nhìn nhận cơ hội này thế nào?

Ông Lê Xuân Hoàn: EVFTA là một cơ hội nhưng cũng là thách thức. Sự tràn vào của các doanh nghiệp châu Âu sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, như chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, chúng ta là người VIệt Nam, chúng ta hiểu thị trường và tâm lý người Việt Nam, hiểu những tác động từ các đặc thù như khí hậu, thói quen tiêu dùng, ngân sách chi tiêu của số đông và đặc biệt là cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ giúp cho các doanh nghiệp giữ vững lợi thế sân nhà. Và ở chiều ngược lại, cơ hội tiếp cận với một thị trường khó tính như châu Âu sẽ rộng mở và nhanh hơn. Những đơn hàng trước đây mà các doanh nghiệp như Kangaroo gặp phải hàng rào kỹ thuật như thuế quan, các yếu tố về kiểm định sẽ được nhẹ bớt và thuận lợi hơn rất nhiều.

MC: Thưa ông Nguyễn Trọng Phi, một doanh nghiệp thời trang với khát vọng vươn tầm vóc ra thương trường quốc tế, Giovanni đã có những kế hoạch như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Phi: Tuy ngành thời trang cao cấp, xa xỉ phẩm có những đặc thù riêng và nó vận hành tương đối tách biệt so với quy luật kinh tế thông thường, song do đây cũng là một nhánh của thời trang, nên việc đi theo những xu hướng của tiến trình phát triển xã hội là điều không tránh khỏi.

Là một doanh nghiệp tiên phong, có thể nói là đầu tiên dấn thân vào thị trường thời trang cao cấp và xa xỉ phẩm tại Việt Nam từ 15 năm về trước, Giovanni hoàn toàn đủ kinh nghiệm để chuẩn bị cho mình tầm nhìn đủ xa trong bối cảnh của Công nghiệp 4.0. Chúng tôi chủ động tìm kiếm những công nghệ hiện đại trong ngành thời trang cao cấp để ứng dụng vào dây chuyền sản xuất thủ công bên cạnh việc duy trì và củng cố những yếu tố thuộc về năng lực chế tác và sáng tạo. Đây có thể nói là một nghệ thuật khi thời trang cao cấp, xa xỉ phải được phát triển dựa trên những yếu tố về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nhưng công nghệ hiện đại mới là điều kiện đủ để những sản phẩm trở thành tác phẩm chế tác thủ công.

Đây là những điều kiện tiên quyết để Giovanni có thể vươn tầm ra các thị trường khu vực và hướng tới toàn cầu bởi lẽ khi tiếp cận những thị trường này, Giovanni phải đối mặt với các thương hiệu 150 năm tuổi từ Tây Âu. Lúc đó, chính ứng dụng của công nghệ hiện đại, công nghiệp 4.0 mới có thể giúp thương hiệu của người Việt là Giovanni cạnh tranh được trước sức ép của các đối thủ.

MC: Vậy để vượt khỏi tầm quốc gia, đưa các sản phẩm thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng trên toàn cầu. Giovanni sẽ làm gì để thực hiện sự khát vọng đó?

Ông Nguyễn Trọng Phi: Chúng tôi đang hợp tác với các nhà mốt nổi tiếng của Ý, Pháp để đưa ra các mẫu thiết kế thời trang đậm phong cách Âu châu nhất. Chưa kể tới việc đặt các nguyên phụ liệu chung nguồn cung cấp với các thương hiệu xa xỉ của Pháp, Ý, chúng tôi cũng liên tục cử các chuyên gia, nhà thiết kế, thợ thủ công sang tu nghiệp tại Italy để sự tài hoa của người Việt có thể được mài giũa sắc bén hơn bao giờ hết.

Để tham gia các thị trường khó tính tại Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Lục địa già, chúng tôi còn cần các bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất để thỏa mãn những yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc “đáp ứng đúng và đủ” các tiêu chuẩn mà những thị trường khó tính này đưa ra, đúng với tính chất của ngành thời trang cao cấp, xa xỉ, chúng tôi còn hướng tới việc đưa ra những chất lượng vượt trội hơn cả những yêu cầu chất lượng của họ. Chỉ có vậy, thương hiệu Giovanni của người Việt mới có thể chinh phục được người tiêu dùng hạng sang trên thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group. 

MC: Còn đối với Kangaroo thì sao, thưa ông Hoàn?

Ông Lê Xuân Hoàn: Kangaroo đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn tiếp theo, cho thập kỷ mới bùng nổ mạnh mẽ với những cam kết giá trị về sức khỏe, công nghệ và sự sáng tạo. Những nền móng đã được xây dựng kỹ lưỡng từ các giá trị cốt lõi, hệ sản phẩm, kênh phân phối, các công nghệ bản quyền, tầm nhìn cho tương lai, đội ngũ nhân hùng hậu, các chân rết vững chắc tại các quốc gia. Những gì tiếp theo sẽ là sự cộng hưởng của hành động để thực hiện các cam kết với những nền tảng, con đường đã được hoạch định.

MC: Mục tiêu của các doanh nghiệp trong 5 năm tới là gì?

Ông Nguyễn Trọng Phi: Đầu tiên, Giovanni sẽ tiếp tục củng cố thị trường trong nước. Chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn trong việc mang tới cho người Việt Nam những sản phẩm cao cấp, tinh xảo để người Việt Nam có thể trải nghiệm, sử dụng những món đồ thời trang, xa xỉ phẩm đẹp nhất, cao cấp nhất, hội tụ đủ tinh hoa của chuỗi giá trị toàn cầu được chọn lọc dành riêng cho họ. Đây là cũng là lý do chúng tôi tham dự chương trình Thương hiệu quốc gia của Chính phủ Việt Nam để Giovanni có thể trở thành một biểu tượng, một niềm tự hào của thời trang Việt Nam, có thể nói là đầu tiên, ở phân khúc cao cấp.

Thời trang thì không thể không nói tới sáng tạo. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác với các nhà mẫu hàng đầu của Italy, chúng tôi sẽ nâng tầm năng lực sáng tạo của đội ngũ thiết kế và thợ thủ công của Giovanni. Đây mới là giá trị cốt lõi mới của Giovanni trong giai đoạn kinh tế hội nhập toàn cầu, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ da cao cấp có quy mô lớn tại Việt Nam. Với dự án này, chúng tôi không những đảm bảo đủ nguồn cung sản phẩm tinh xảo cho sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của người Việt mà còn hướng tới việc trở thành trung tâm của ngành thời trang cao cấp trong tương lai không xa.

Ông Lê Xuân Hoàn: Còn với Kangaroo, mục tiêu 5 năm tới sẽ trở thành một doanh nghiệp được 700 triệu dân Đông Nam Á yêu mến.

MC: Thưa quý vị và các bạn! 

Để các tiêu chuẩn mang lại hiệu quả thiết thực với doanh nghiệp và tương thích với hệ thống tiêu chuẩn thế giới, trong thời gian tới cần phải có những định hướng cụ thể nhằm tiếp tục tham gia sâu rộng vào các hệ thống thương mại quốc tế, khi tham gia sâu vào các FTA mới sẽ buộc chúng ta phải điều chỉnh thể chế, hệ thống tiêu chuẩn hóa mạnh mẽ hơn để có thể tiếp cận thực chất, hưởng lợi từ các định chế thương mại quốc tế và toàn cầu.

Từ góc độ doanh nghiệp, việc tham gia sâu hơn vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng như việc xây dựng cho doanh nghiệp nền tảng chất lượng cho sản phẩm hàng hóa đang là hướng đi đúng khi cánh cửa hội nhập toàn cầu đã mở ra thì việc chủ động, tự tin để đón sóng hội nhập sẽ không còn trở thành thách thức.

Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn.

Tọa đàm trực tuyến: Giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam(VietQ.vn) - Thực trạng về truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam đang đặt ra thách thức mới cho nhà quản lý, doanh nghiệp trước những rào cản từ các thị trường trong nước và xuất khẩu. Tìm kiếm giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ là nội dung được trao đổi tại tọa đàm diễn ra sáng nay 13/11/2019.

Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang