Chuyên gia khuyến cáo: Phòng ngừa đột quỵ sớm khi thời tiết giao mùa

author 07:30 09/09/2024

(VietQ.vn) - Khi thời tiết chuyển đổi từ mùa hè sang mùa thu hoặc từ mùa đông sang mùa xuân thường được biểu hiện bằng sự biến đổi đột ngột về nhiệt độ và điều kiện thời tiết, gây tác động không mong muốn đối với sức khoẻ, bao gồm cả nguy cơ đột quỵ.

GS. TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, nguyên nhân đột quỵ thường do chảy máu não, nhồi máu não hoặc dị dạng mạch não vỡ. Tuy nhiên, đối với những người trên 40 tuổi, tình trạng đột quỵ không chỉ liên quan đến đột quỵ não mà còn liên quan đến các biến cố tim mạch: Nhồi máu cơ tim cấp biến chứng loạn nhịp nặng và ngừng tim, vỡ phình tách động mạch, nhồi máu phổi cấp nặng… Đa số trường hợp đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi này liên quan đến bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

Trong đó, những yếu tố nguy cơ gây bệnh huyết áp và xơ vữa động mạch là do tình trạng ăn uống không hợp lý, uống nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá, thừa cân, béo phì, thời tiết giao mùa… trong khi các hoạt động vận động giảm đáng kể.

Mẹo phòng ngừa đột quỵ lúc giao mùa

Cơn đột quỵ có thể xảy đến với bất kỳ ai mà không hề báo trước, bởi vậy, chủ động phòng chống đột quỵ từ sớm là một việc hết sức quan trọng để hạn chế hậu quả xấu đối với sức khỏe, thậm chí là tử vong. Một số lời khuyên hữu ích của chuyên gia giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả:

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa đột quỵ. Nên xây dựng chế độ ăn uống với đầy đủ các nhóm thực phẩm khác nhau, đảm bảo đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên lựa chọn thực phẩm từ chất béo không bão hòa, dầu thực vật như dầu ô liu, cá hồi, dầu đậu nành, các loại hạt, rau xanh, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu omega-3 từ cá hồi, cá trích, kết hợp thêm các loại dưỡng chất tốt cho não bộ như Ginkgo biloba, Coenzym Q10, Nattokinase… có khả năng hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ.

Song song với đó, nên hạn chế các loại mỡ động vật, chất béo bão hòa, muối, đường tinh khiết, nước ngọt, nước ngọt có ga… để kiểm soát huyết áp và duy trì mức cholesterol ổn định.

Phòng ngừa đột quỵ sớm khi thời tiết giao mùa. (Ảnh minh họa).

Tạo thói quen sinh hoạt tốt

Những thói quen xấu như thức khuya, tắm đêm, uống rượu bia, hút thuốc lá,... làm tăng nguy cơ gây đột quỵ. Bởi vậy, không nên tắm quá muộn hay thức quá khuya, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, căng thẳng.

Tập thể dục không chỉ giúp lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn, ngăn ngừa đột quỵ mà còn là cách đơn giản để nâng cao sức khỏe. Hãy dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để tập thể dục, giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường lưu thông máu não. Tùy vào thể trạng mỗi người mà lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp, tập luyện đúng cách và nên giữ thói quen này lâu dài.

Kiểm soát bệnh nền

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên những người mắc bệnh nền về tim mạch như cao huyết áp, mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, rung nhĩ,... hay vấn đề chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu sẽ có nguy cơ cao. Kiểm soát và khắc phục tốt các bệnh lý nguy cơ có thể gây ra đột quỵ não bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát tốt đường máu, lượng mỡ trong máu… cách phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay để lại nhiều di chứng về sau. Song, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Để phòng đột quỵ vào mùa đông, ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; sử dụng thuốc chống đông máu; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống thì cần một số lưu ý riêng về chăm sóc sức khỏe trong mùa đông. Mọi người nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm quá muộn cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.

Đặc biệt, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng, nhất là với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành... cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy.

Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Có thể tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch nhưng cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và có dấu hiệu bất ổn, nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng, làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.

Một điểm cần lưu ý đó là mọi người nên chủ động tầm soát đột quỵ để phòng đột quỵ vào mùa đông. Với những thiết bị hiện đại, việc định kỳ tầm soát sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ; từ đó có phương án can thiệp, hỗ trợ kịp thời, giúp bảo đảm sức khỏe cho mỗi người.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang