Chuyên gia nêu giải pháp xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường CPTPP

author 17:14 15/10/2023

(VietQ.vn) - Mặc dù có nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường CPTPP, tuy nhiên, hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này đến nay vẫn còn tương đối khiêm tốn.

Như đã biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, từ đó đến nay, CPTPP đã giúp mang lại hiệu quả tích cực cho hàng hóa xuất khẩu nước ta.

Đơn cử như đối với mặt hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong khối CPTPP đa phần ghi nhận tăng trưởng dương so nửa đầu tháng 9/2022.

Cụ thể, khối thị trường này đã nhập khẩu gần 9 triệu USD cá tra Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 năm nay, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường của khối ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so cùng kỳ năm 2022 là: Nhật Bản, Mexico, Canada đạt lần lượt 1,3 triệu USD (tăng 75%); 2,4 triệu USD (tăng 59%); 1,3 triệu USD (tăng 16%).

 Nhiều dư địa cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, với những thị trường mà nước ta chưa có chung FTA là: Canada, Mexico và Peru, khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường này đã có luôn tăng trưởng 2 chữ số, kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới.

Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chỉ ra, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Mặt khác, không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo TS Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, khi CPTPP được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất tốt hiệp định này, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào các nước nằm trong Hiệp định này có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Có những thị trường có sự tăng trưởng lên đến hàng trăm %, đặc biệt là những thị trường chưa khai thác trước đây và những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: nông lâm thủy sản, điện tử…

“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng về phương thức sản xuất kinh doanh để đáp ứng được các yêu cầu về thương mại bền vững, phát triển bền vững trong yêu cầu của CPTPP. Đây là điều kiện rất quan trọng vì phát triển bền vững dự kiến sẽ là yêu cầu của rất nhiều thị trường khác trong thời gian tới”, TS Lê Duy Bình ghi nhận.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường tiềm năng của CPTPP như: Canada, Mexico và Peru còn rất lớn vì có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3-5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Dù hàng Việt Nam xuất khẩu sang khối thị trường này nhiều, song để tìm được một thương hiệu riêng biệt trên thị trường thì rất khó khăn.

Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, làm bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Vì vậy, để xây dựng được thương hiệu tại Việt Nam đã khó, xây dựng được thương hiệu tại nước ngoài còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, xây dựng thành công thương hiệu sẽ giúp giá trị hàng Việt tại thị trường tăng lên rất mạnh. Để làm được điều này, cần những giải pháp tổng thể từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thể hiện qua những chỉ tiêu về xuất khẩu được đề ra hằng năm.

Cũng theo TS Lê Duy Bình, việc xây dựng thương hiệu phải là một trong những ưu tiên song song với việc gia tăng số lượng giá trị hàng hóa dự kiến xuất khẩu vào một thị trường. Những chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đi cùng với những chỉ tiêu khác như hàm lượng giá trị gia tăng giữ lại nền kinh tế là bao nhiêu, tạo ra cho nền kinh tế của chúng ta là bao nhiêu khi ta xuất khẩu sang 1 thị trường nhất định. Nó không chỉ đo được bằng việc tăng xuất khẩu vào 1 thị trường trong khối CPTPP mà nó cần đo lường bằng những giá trị khác như giá trị gia tăng hàng hóa được sản xuất Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường CPTPP là bao nhiêu.

Còn về phía các doanh nghiệp, bài toán thương hiệu hay từ thương hiệu thì chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng về mặt nền tảng thì doanh nghiệp phải có hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Để xây dựng thành công thương hiệu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và các thành tố khác trong chuỗi liên kết.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang