Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tiến hành rà soát kiểm tra 461 cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn nguồn cung tại các cửa hàng này khá dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định, phương thức hoạt động của cửa hàng giới hạn 5 đến 10 người trong 1 lượt mua sắm.
Tuy nhiên, trong số 461 cửa hàng, có 75 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bị nhiều người dân phản ánh có hành vi niêm yết hàng hóa với giá thành một đằng, tính tiền một nẻo, cân sai, bán đắt hơn so với bên ngoài.
Cùng thời điểm, tại Sóc Trăng, Đội QLTT số 02 (thuộc Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) kiểm tra, phát hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3 (TP. Sóc Trăng) bán hàng không đúng giá niêm yết nên lập biên bản để xử lý.
Tại Đắk Lắk, một tổ kiểm tra thuộc Cục QLTT tỉnh cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Ngô Quyền, P.Tân An, TP. Buôn Ma Thuột về hành vi vi phạm về giá. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện cửa hàng này bày bán nhiều mặt hàng thực phẩm không thực hiện niêm yết giá và bán cao hơn giá niêm yết. Tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính 2 hành vi trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về vụ việc hệ thống Bách Hoá Xanh liên tục bị khách hàng phản ánh về tình trạng bán hàng cao hơn với giá niêm yết, bán hàng thiếu trọng lượng so với hoá đơn, đại diện hệ thống này đã đưa ra nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này như giá bán đầu vào tăng, chi phí gia tăng do các quy định về phòng dịch như việc tài xế phải xét nghiệm nhiều lần, thiếu hụt nhân viên hay vấn đề hao hụt trong bảo quản rau củ,...
Lực lượng chức năng xử lý Bách Hoá Xanh bán hàng cao hơn giá niêm yết tại
481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP. Sóc Trăng.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, khi gặp khủng hoảng, việc đầu tiên cần xem xét là nguồn gốc của sự việc. Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ cái sai trong hệ thống siêu thị thì cần xin lỗi. Trong khi đó, Bách Hoá Xanh lại đưa ra quá nhiều lý do, khó khăn chứ không có bất kỳ lời xin lỗi hay tỏ thái độ cầu thị với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với những lời giải thích như Bách Hoá Xanh chấp nhận mua hàng bằng mọi giá để khách hàng khi đến siêu thị đều có hàng hoá để mua hoặc Bách Hoá Xanh bán giá cao nhưng luôn có hàng thì trong giai đoạn gần đây nhiều người dùng phải đi tới 5-6 siêu thị Bách Hoá Xanh nhưng kệ hàng luôn trống không. Kệ hàng tươi sống không có, kệ hàng đông lạnh cũng không có, thậm chí, cả gạo, rau cũng không còn.
Đối với các vụ việc tính tiền sai, bán hàng thiếu trọng lượng, ông Long cho rằng, Bách Hoá Xanh cần nghiêm túc xin lỗi người tiêu dùng và cam kết cải tiến quy trình để giảm thiếu sai sót. Vấn đề này cũng bộc lộ bất cập khi Thế giới di động là một doanh nghiệp nổi tiếng về quản trị bằng số liệu mà lại để xảy ra sai sót trong hệ thống của Bách Hoá Xanh.
Ngoài ra, thay vì đổ lỗi cho nhà cung cấp tăng giá bán trong mùa dịch khiến hệ thống này tăng giá, Bách Hoá Xanh cần kêu gọi các nhà cung ứng chung tay chống dịch, giảm lãi thậm chí hoà vốn, không tăng giá sản phẩm để hỗ trợ người tiêu dùng,...
Ông Long còn cho rằng các sếp ở Bách hoá Xanh nên cải tiến quy trình để giảm thiếu sai sót xuống. Thí dụ kiểm đếm hàng tồn kho hàng ngày, so khớp với hàng đã bán ra, rồi so tiếp với bill sẽ biết ngay có nhiều mặt hàng khách đã trả tiền (chênh số lượng) mà vẫn nằm ở trong kho.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết thêm, từ giám đốc, đến quản lý, đến nhân viên đang đi ngược hoàn toàn với giá trị con người Thế giới di động, đi ngược với câu nói - bài học lớn nhất mà em được học ở công ty: mình là nguồn gốc của mọi việc. “Việc người của Thế giới di động không nhận lỗi trước mà đi giải thích thì không thể nào đúng được”, ông Long khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, theo báo cáo của Bách Hoá Xanh thì lượng hàng phục vụ bình thường là 1.000 tấn rau quả, thực phẩm và khi phục vụ cao điểm lên tới 2.500 – 3.000 tấn.
Cũng theo đó, doanh số của đơn vị sẽ tăng trong những ngày vừa qua trong khi chi phí cố định, như nhân viên, điện, nước... không thay đổi nhiều. Như vậy, chi phí cố định tăng không đáng kể nhưng doanh số tăng cao thì lãi gộp sẽ tăng lên. Nếu đúng là như vậy thì không phải Bách Hoá Xanh bị lỗ mà là ngược lại.
Khi phân tích về chiến lược xây dựng thương hiệu, ông Phú cho rằng, một doanh nghiệp muốn giữ được uy tín lâu dài với người tiêu dùng thì phải xây dựng hình ảnh từ khi mới tham gia thị trường và đi cùng người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn nhất. Có như vậy người tiêu dùng mới thật sự cảm phục và có ấn tượng lâu bền với họ.
Trong khi cả nước, các ngành các cấp thực hiện lời kêu gọi của Chính Phủ đồng lòng chống dịch, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này, không lợi dụng để đầu cơ tăng giá làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng thì Bách Hoá Xanh lại đi ngược lại với lời kêu gọi đó khi tăng giá. Trên thực tế, các đơn vị khác như Saigon Coop, Central Group... cũng có những khó khăn tương tự nhưng vẫn giữ giá bán cho người tiêu dùng, mặc dù lợi nhuận có thể giảm sút.