Chuyện ít ai biết về 'cha đẻ' của chiếc cốc bia hơi xù xì

author 19:45 02/03/2018

(VietQ.vn) - Bạn đã từng uống bia hơi, chắc hẵn bạn đã nhận ra hình ảnh chiếc cốc thủy tinh màu xanh ngọc xù xì này! Vậy, chiếc cốc ấy ra đời thế nào, ai là người sáng tạo ra nó mà từ hơn 40 năm trước cho đến nay nó vẫn tồn tại.

“Cha đẻ” chiếc cốc xù xì là ai?

Một ngày đầu năm mới, câu chuyện gặp nhau đầu năm của những người vốn thích “lang bạt” lại nảy ra cái ý tưởng kỳ kỳ nhưng thú vị khi đề cập tới vật dụng vốn rất quen tại bàn bia.

Chiếc cốc bia hơi làm bằng thủy tinh có màu xanh vốn xù xì mà mọi người đang cầm trên tay lại trở thành đề tài để chúng tôi bàn tới. Quyết “mục sở thị” để hiểu về ai là “chả đẻ” và cuộc đời của chiếc cốc "dị biệt" này.

Lang thang dọc con phố La Thành sầm uất đi tìm người họa sỹ tạo tác chiếc cốc.

Nằm phía sau trường Đại học mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, căn nhà nhỏ, thư phòng cũng nhỏ… nhưng mọi thứ hiện lên trong mắt chúng tôi cơ man nào giá vẽ, cọ màu, tài liệu và đồ tạo tác, song vẫn còn chỗ cho 2 chiếc cốc xanh xù xì, bọt khí lăn tăn án ngự.

Gặp chúng tôi là một người đàn ông châm rãi, mái tóc đã pha sương với cặp kính lão - đó chính là họa sỹ Lê Huy Văn, “cha đẻ” của chiếc cốc mà chúng tôi đang nói tới.

Hoạ sỹ Lê Huy Văn và chiếc cốc huyền thoại 

Trò chuyện với chúng tôi, họa sỹ Lê Huy Văn chậm rãi kể về cuộc đời mình. Theo ông, vào năm 12 tuổi, ông sang Đức theo học phổ thông, sau đó vào học tại trường dạy nghề Kamera - und Kinowerke Dresden. Tại đây ông vừa có tay nghề cơ khí chính xác, vừa có nền tảng thực tiễn để theo học thiết kế mỹ thuật sau này.

Sau 3 năm học tại trường Dresden, ông từ biệt bờ sông Elbe Dresden lãng mạn của nước Đức để trở về với mùi khói lam chiều, bữa cơm cá kho chốn quê nhà.

Đến năm 1965, ông lại một lần nữa sang Đức học đại học chuyên ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Burg Giebichenstein Halle. Claus Dietel - nhà thiết kế hàng đầu của Đông Đức - cha đẻ của mẫu xe Moped - S50 - vang danh thập niên 60 - là người trực tiếp truyền dậy cho ông Văn những kỹ năng, tư duy thiết kế hiện đại nhất thời bấy giờ.

Hồi tưởng lại thời kỳ tại trường Halle, họa sỹ Văn kể: “Tại trường này tôi đã thiết kế mô hình xe máy, xe buýt 24 chỗ ngồi, nghiên cứu về nghệ thuật chữ”… Mùa thu năm 1970, ông trở về Hà Nội với kiến thức chuyên sâu về thiết kế mỹ thuật.

Theo lời họa sỹ Văn, sau khi về nước nước ông được sắp xếp công việc phiên dịch ở Văn phòng Chính phủ, nhưng khoảng 4 năm sau đó, cơ duyên lại đưa ông về với chuyên môn kỹ thuật và mỹ thuật.

Liên hiệp hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương thời đó đã làm thay đổi cuộc đời ông - và cũng từ đây, chiếc cốc bia hơi huyền thoại ra đời.

Chiếc cốc vẫn còn “sức sống”

Quay trở về những năm 1960 của thế kỷ trước, khi ấy, được uống một cốc bia hơi là cả một niềm vui có phần xa xỉ.

Thế nhưng cứ mỗi chiều, trước những cửa hàng mậu dịch, người Hà Nội vẫn xếp hàng chờ mua bia ở những quán Cổ Tân cạnh Nhà hát lớn, quán "chuồng cọp" đầu phố Nguyễn Đình Chiểu hay cửa hàng mậu dịch số 41 Hàng Bài...

Không có loại cốc "chuyên dụng" nào, người ta đựng bia vào mọi vật chứa có thể, từ cốc nhỏ uống nước chè đến ca nhôm, cốc sắt.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về vật dụng dùng cho việc uống loại nước “cao cấp” này, hoạ sỹ Lê Huy Văn đã bắt tay vào thiết kế và hoàn thành mẫu chuẩn sản phẩm sau nhiều ngày phác thảo.

 Chiếc cốc thủy tinh màu xanh xù xì từ hơn 40 năm trước cho đến nay vẫn được mọi người ưa dùng.

Năm 1976, chiếc cốc thủy tinh “nguyên thủy” màu xanh chính thức được hình thành. “Là nhà thiết kế, anh phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và phải hội tụ đủ 5 yếu tố: ý tưởng thiết kế, chất lượng, công năng và hình dáng tốt” – họa sĩ Huy Văn nói

Chiếc cốc có hình côn, phần miệng loe to, thân đáy nhỏ nhằm giúp cho việc xếp những chiếc cốc vào nhau thuận tiện. Thân cốc có gờ tròn để các ngón tay nắm được chắc, thoải mái. Chất liệu chế tác cốc từ thủy tinh tái chế, giá thành rẻ nhưng vẫn đảm bảo độ cứng nhất định để khi chạm cốc không sứt vỡ.

Nơi sản xuất đầu tiên chiếc cốc uống bia do hoạ sỹ Văn thiết kế là Hợp tác xã Thuỷ tinh Dân chủ Hà Nội, rồi sau này khi bia có nhiều, thói quen uống bia cũng trở nên phổ biến, nhiều hợp tác xã thủy tinh cũng làm loại cốc này và Bộ Nội thương là đơn vị duy nhất thu mua, bán buôn đến các cửa hàng mậu dịch.

Người họa sỹ tự bạch về “sức sống” của chiếc cốc, rằng, có lẽ vẻ mộc mạc, những bọt thủy tinh xanh long lanh, đan xen nhẹ nhàng với màu vàng của bia đã ghi dấu vào tâm thức nhiều người và dẫn tạo thành thói quen tiêu dùng bền vững. Nhờ đó mà nó đã tồn tại, chứng kiến và sẻ chia với nhiều người trong suốt hơn 40 năm qua.

Âu đó cũng là “định mệnh” của nó, bởi suy cho cùng, nó không chỉ có một nghĩa đen trần trụi là chứa bia, nó còn phải tồn tại để san sẻ vui buồn với nhân gian.

Mà vui buồn biết bao giờ mới hết!

Khuất Nguyên

Giá vàng trong nước ngày 2/3: Vàng bật tăng nhanh, diễn biến khó lường(VietQ.vn) - Giá vàng hôm nay ngày 2/3 ở thị trường trong nước tăng nhanh. Hiện giá vàng trong nước dao động quanh ngưỡng 36,60 triệu đồng/lượng.
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang