Cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến tăng trưởng bền vững

author 19:57 07/12/2021

(VietQ.vn) - Một trong những quan điểm Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra là tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong Nghị quyết số 31/2021/QH15. Đây được đánh giá là kế hoạch có nhiều điểm đột phá mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước, phù hợp yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra 5 quan điểm lớn; trong đó, lấy hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá chiến lược với mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực cũng như giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Đồng thời, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến tăng trưởng bền vững. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại kinh tế gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm nhưng thực chất diễn ra ở gần như toàn bộ nền kinh tế. Đó là cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống ngân hàng; phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp; tăng cường liên kết vùng; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... với hàng trăm giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu.

Có thể thấy, phạm vi kế hoạch cơ cấu kinh tế là rất rộng, giải pháp, nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, mỗi giải pháp gần như là đầu bài của một đề án. Vì vậy, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế vẫn phải là thể chế. Cải cách thể chế giai đoạn này cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, gỡ bỏ những rào cản, không chỉ dừng ở mức độ cho doanh nghiệp được "tự do làm gì" mà phải là "tự do làm như thế nào" trong những ngành, nghề pháp luật không cấm.

Công tác quản lý của Nhà nước sẽ chuyển mạnh sang cơ chế hậu kiểm, quản lý theo rủi ro và theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới khơi thông được các nguồn lực trong nền kinh tế, để nguồn lực đến được những dự án tốt, nhà đầu tư tốt nhất. Đồng thời giúp phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.

Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không chỉ tập trung khắc phục những hạn chế của kế hoạch giai đoạn trước, mà còn bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng, nắm bắt cơ hội mới và giải quyết tốt những vấn đề chiến lược. Yêu cầu đặt ra là công tác thực hiện cần được triển khai quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang