Cơ hội bứt phá cho ngành dệt may, da giày sau đại dịch Covid-19

author 06:08 15/12/2020

(VietQ.vn) - Dù năm 2021 ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, song giai đoạn 2022-2023 sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ.

Dự báo giai đoạn 2022-2023 ngành dệt may, da giày sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ. Ảnh minh họa.

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn dự báo đạt được sản lượng xuất khẩu cao, khả năng liên kết cũng đã tốt hơn.

Cụ thể, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, nhu cầu các sản phẩm dệt may của châu Âu và Mỹ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40%; giảm 27% và 21% so với giầy dép. Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%).

 
VITAS nhận định, dù năm 2021 ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, song giai đoạn 2022-2023 sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ.
 

Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.

Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau Covid-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP.

“Để kéo đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị, đặc biệt là chia sẻ về những đơn hàng trong bối cảnh Covid-19. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhận đơn hàng rất lớn”, ông Giang cho hay.

Hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu(VietQ.vn) - Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, các khách hàng để nâng cao vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang