Cơ hội luôn song hành thách thức khi Việt Nam tham gia các FTA

author 06:26 24/12/2020

(VietQ.vn) - Không chỉ riêng với Hiệp định RCEP, mà việc tham gia vào bất kỳ FTA với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Ngày 15/11/2020, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, mở ra thêm cho doanh nghiệp và người dân những cơ hội và cả thách thức mới. Đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến mới của nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

 
Hiệp định RCEP vừa được ký, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
 

Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Mặt khác, theo các nghiên cứu, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. 

Cơ hội luôn song hành thách thức khi Việt Nam tham gia các FTA. Ảnh minh họa. 

Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.

“Theo tôi, chúng ta không nên quá đặt sự chú ý vào việc lợi thế hay không lợi thế, vì thường các ngành chịu sự cạnh tranh sẽ có thêm động lực để phát triển, hoàn thiện tốt hơn. Vì vậy, tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”, ông Minh Anh nói.

Ngoài ra, ông Minh Anh cũng cho biết, Hiệp định có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình khôi phục kinh tế hậu Covid-19 tại Việt Nam và có năm vấn đề cơ bản như sau: Thứ nhất, Hiệp định đã khẳng định quyết tâm mở cửa hội nhập của Việt Nam. Như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Và thực tế, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công từ việc mở cửa hội nhập. 

Thời gian vừa qua, không riêng gì Covid-19 mà có thể nói, chưa bao giờ kinh tế thế giới trở nên ảm đạm và khó dự đoán như vậy. Trong giai đoạn hiện nay không chỉ bị tàn phá vì Covid-19 mà còn bị ảnh hưởng rất lớn từ xung đột chiến lược, xung đột kinh tế thương mại quốc tế. Việt Nam luôn sẵn sàng mở cửa, hội nhập chứ không chỉ hô khẩu hiệu đơn thuần;

Thứ hai, Covid-19 và những xung đột thương mại đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm đình trệ mọi thứ. Những tháng đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, ta thấy rõ ràng sản xuất của Việt Nam tuy không bị ảnh hướng lớn nhưng ảnh hưởng nhiều đến các nước khác, nên chúng ta không đủ nguyên vật liệu để sản xuất, gây khó khăn đến xuất khẩu;

Thứ ba, là việc ký hiệp định đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu có ý nghĩa ổn định và lâu dài hơn; Thứ tư, khu vực này là khu vực mà chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, cũng tạo thuận lợi cho chúng ta nhập khẩu những nguyên vật liệu để có thể ổn định cho việc sản xuất; Cuối cùng, đây là thị trường mà những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có thể phát huy được. Ví dụ, dệt may, da giày... là những sản phẩm có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP(VietQ.vn) - Trải qua 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020 trong khuôn khổ Hội nghị thương đỉnh ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam tổ chức.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang