Cơ hội, thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức trong cuộc đua chuyển đổi số

author 16:42 01/08/2022

(VietQ.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra rộng khắp trên mọi mặt của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung và các mittelstand (DNNVV ở Đức nói riêng) được xem là đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức để chuyển mình, tối ưu hóa năng lực vận hành, cải thiện năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và chuyển đổi số là một trong những bước đi cần thiết để DNNVV ở Đức sớm đạt được mục tiêu này. Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển, cơ hội và thách thức của các DNNVV ở Đức trong cuộc đua chuyển đổi số.

Thực trạng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đức

Là nước có nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất Châu Âu, khi nói về Đức, người ta thường nhắc đến những thương hiệu “tỷ đô” nằm trong bảng xếp hạng toàn cầu như Volkswagen, Daimler, BMW, Siemens hay Bosch. Tuy nhiên, trên thực tế, chính những DNNVV (hay còn gọi là các mittelstand) mới là bệ đỡ của nền kinh tế Đức, giúp Đức vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhanh chóng ổn định nền kinh tế và tiếp đà phát triển.

Vai trò và tầm quan trọng của DNNVV ở Đức được khắc họa rõ nét từ những năm 2000 trở lại đây khi nền kinh tế Đức đã trải qua nhiều biến động từ giai đoạn mất cân bằng thị trường lao động đầu những năm 2000, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và nhu cầu tìm kiếm động lực cho sự ổn định, tăng trưởng kinh tế từ sau những năm 2010 đến nay, đặc biệt khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra, hứa hẹn sẽ có những tác động không nhỏ đến các nền kinh tế, nhu cầu về sự đổi mới sáng tạo đang đặt ra thách thức về tương lai cho tất cả quốc gia trên thế giới. Xuyên suốt những biến động ấy, DNNVV vẫn luôn là một trong những trụ cột, được xem là xương sống của nền kinh tế Đức, giúp Đức vượt qua các cuộc khủng hoảng, đảm bảo sự an tâm cho nền kinh tế - xã hội của quốc gia.

Sự phát triển của DNNVV ở Đức không chỉ thể hiện về mặt số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế mà đặc biệt, vị thế, vai trò của khối doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và luôn được khẳng định, thừa nhận là một trụ cột vững chắc trong sự phát triển kinh tế Đức.

Các doanh nghiệp này không chỉ có vai trò trong việc cung cấp việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; đào tạo nghề cho lượng lớn lao động Đức và quan trọng hơn là đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế Đức (thông qua đóng góp vào GDP, giá trị xuất nhập khẩu... ). Để đạt được những thành tựu như vậy, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Liên bang Đức thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, môi trường chính sách thuận lợi, kiến tạo, cùng với sự định hướng, hỗ trợ về mặt thông tin, chuyên môn từ các tổ chức, Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp trung gian, Phòng thương mại Đức tại các quốc gia trên toàn cầu (trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu). Trong những hoạt động này không thể phủ nhận rằng nội lực của các DNNVV ở Đức (vốn là các công ty gia đình) là rất lớn, cụ thể:

• Văn hóa tổ chức doanh nghiệp chặt chẽ và tính linh hoạt cao

Xuất phát từ đặc tính của các DNNVV thường có phương thức hoạt động theo “nguyên tắc cá nhân" và "nguyên tắc thống nhất giữa lãnh đạo và vốn sở hữu”. Cụ thể “nguyên tắc cá nhân" thể hiện rằng quản lý doanh nghiệp là người có vai trò chủ chốt trong việc ra quyết định trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, họ liên hệ trực tiếp và mật thiết với nhân viên, với khách hàng và nhà cung cấp. Họ thường gắn bó cả sự nghiệp của mình với doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, “nguyên tắc thống nhất giữa lãnh đạo và chủ sở hữu" có nghĩa là chủ sở hữu và người lãnh đạo doanh nghiệp đều là một người". Điều này giúp cho các doanh nghiệp quản lý được hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chặt chẽ. Sự tương tác gần gũi và thấu hiểu giữa các cấp bậc trong doanh nghiệp giúp chủ doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và đưa ra quyết định kịp thời với những thay đổi cả từ yếu tố bên trong và bên ngoài.

Bên cạnh đó, phần nhiều DNNVV ở Đức là các doanh nghiệp gia đình, những doanh nghiệp này có tính truyền thống, tiếp nối qua nhiều thế hệ duy trì hoạt động sản xuất. Đặc tính này giúp DNNVV có thể giữ vững được những bí quyết kinh doanh riêng cũng như tinh thần, văn hóa nền tảng được tiếp nối qua nhiều thế hệ gia đình, giúp doanh nghiệp giữ vững phong độ ổn định và vị thế chắc chắn trên thị trường.

Nhờ sự gắn bó chặt chẽ và gắn kết giữa các thành viên mà tỷ lệ lao động nghỉ việc (rời khỏi công ty) là rất thấp. Tinh thần kỷ luật cũng như tính trung thành của nhân viên rất cao. Đây cũng là một trong những lý do mà trong các cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, sự thấu hiểu giữa người chủ và người lao động giúp cho các DNNVV có thể nhanh chóng thích nghi, dễ dàng chia sẻ rủi ro về mặt tiền lương, giờ làm, chế độ lao động, thích ứng nhanh chóng với chính sách mới của Chính phủ, qua đó giúp các DNNVV linh hoạt thích ứng, duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Các doanh nghiệp giữ được lao động lành nghề của mình còn người lao động thì giữ được việc làm.

• Chiến lược doanh nghiệp dựa trên tầm nhìn dài hạn

Xuất phát từ văn hóa doanh nghiệp có tính chất kế thừa qua nhiều thế hệ, các quyết định, chiến lược của DNNVV ở Đức thường dựa trên một tầm nhìn dài hạn, mang tính xuyên suốt, thống nhất trong sự phát triển chung của doanh nghiệp và ít mang tính thời điểm, tư duy phục vụ lợi nhuận ngắn hạn, không bên vững. Điều này cũng được thể hiện thông qua những cam kết của doanh nghiệp với người lao động.

Đội ngũ lao động của DNNVV được đào tạo và nuôi dưỡng song song với sự phát triển của doanh nghiệp đó, từ đối tượng học nghề đến lao động chính thức và trở thành lao động có tay nghề cao. Đây là quá trình đào tạo bài bản, xuyên suốt và thể hiện sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo điều hành hoạt động ở nước ngoài của các DNNVV Đức đã có thời gian phụ trách đơn vị hơn mười năm và thậm chí lâu hơn. Điều này giúp cho các hợp đồng kinh doanh được duy trì và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng cũng rất gần gũi.

Theo thống kê, hơn 44% nhân viên tại DNNVV của Đức có thời gian gắn bó với doanh nghiệp họ đang làm việc từ hơn mười năm trở lên và họ có động lực rất lớn để cống hiến cho công ty, rất hiếm khi xảy ra các cuộc đình công hay mâu thuẫn lao động. Hơn 80% số doanh nghiệp có chính sách thưởng cho người lao động khi đóng góp sáng kiến, ý tưởng mới; hơn 50% số doanh nghiệp áp dụng mô hình “nhóm quản lý chất lượng (quality circles)” và khoảng 40% doanh nghiệp có chính sách chia sẻ lợi nhuận với người lao động. Với tư duy dựa trên tầm nhìn dài hạn mà các DNNVV ở Đức hoạt động nhất quán và bền vững.

• Nguồn lực doanh nghiệp, năng lực quản lý doanh nghiệp tốt. Xây dựng lợi thế cạnh tranh và mạng lưới khách hàng toàn cầu

Có thể nói rằng, các DNNVV ở Đức có nguồn lực tốt và được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Các DNNVV ở Đức luôn có sự quyết tâm, kinh nghiệm và kiến thức trải qua nhiều năm phát triển cùng với nguồn lực về vốn, con người mạnh mẽ.

Năng lực quản lý của DNNVV ở Đức cũng luôn được đánh giá cao. Với đặc tính là người chủ thường là quản lý trực tiếp doanh nghiệp nên hoạt động của DNNVV thường mang đậm dấu ấn của người lãnh đạo và sự gắn kết giữa người chủ và nhân viên thường rất mật thiết.

Ngoài ra, tận dụng được những lợi thế từ nguồn lực sẵn có, với tấm nhìn chiến lược dài hạn, DNNVV ở Đức luôn biết cách xây dựng những lợi thế cạnh tranh cho riêng mình để vươn lên trở thành những “chiến binh” trên toàn cầu, xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp.

Chiến lược mà DNNVV ở Đức theo đuổi để có lợi thế cạnh tranh là "chiến lược tập trung dựa trên nền tảng khác biệt hóa Differentiation Fous" đã được Michael Porter để cấp lần đầu vào năm 1985. Theo đó, chất lượng, dịch vụ và độ tin cậy cao là ba yếu tố chiến lược mà các DNNVV ở Đức tập trung xây dựng trên thị trường. Các DNNVV ở Đức tập trung vào các thị trường ngách, những thị trường mà họ nắm rất sâu sắc.

Theo đánh giá từ doanh nghiệp thì tầm quan trọng của ba tiêu chí trên lần lượt chiếm 77%, 71% và 66% khi được khảo sát. Với lợi thế quy mô nhỏ và vừa, lao động có tay nghề kỹ thuật cao, tập trung sản xuất chuyên sâu vào thế mạnh của mình (tính chuyên môn hóa cao), các sản phẩm của DNNVV ở Đức được xem là có tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu thế giới, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất liên quan đến kỹ thuật điện và sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, quy trình về tư vấn, dịch vụ được doanh nghiệp này quan tâm và chú trọng và hơn hết, uy tín/độ tin cậy là một trong những nguyên nhân giúp cho các DNNVV ở Đức khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Trên phạm vi toàn cầu, các DNNVV ở Đức được xem là những “nhà vô địch ẩn danh" và có tới 1.307 doanh nghiệp từ Đức đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất của mình.

Ngoài ra, DNNVV ở Đức không ngừng xây dựng mạng lưới khách hàng toàn cầu. Bên cạnh nhóm khách hàng truyền thống là các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu và Mỹ thì một trong những nhóm khách hàng mới nổi mà các DNNVV hướng tới là các quốc gia đang phát triển, những quốc gia mà quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ và doanh nghiệp Đức đã tiếp thị sản phẩm của mình một cách thành công dựa trên những thế mạnh mà mình có.

Các DNNVV ở Đức cũng là nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn toàn cầu trong việc gia công, cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp lớn. Việc luôn tìm kiếm và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu giúp cho các DNNVV ở Đức luôn ổn định sản xuất và đóng góp mạnh mẽ cho quá trình phát triển nền kinh tế Đức.

Phân tích về đặc tính văn hóa tổ chức doanh nghiệp, các nguồn lực doanh nghiệp và năng lực quản lý của DNNVV ở Đức đã soi sáng và làm rõ hơn nội dung "Lý thuyết của Penrose về phát triển doanh nghiệp". Theo đó, tác giả đã nhận định “bản thân các nguồn lực chưa thể được xem là yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh mà tùy thuộc vào từng doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực đó theo những cách thức như thế nào dựa trên kinh nghiệm, trình độ của người lao động, năng lực quản lý thì các nguồn lực đó mới trở thành nhân tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng. Penrose cũng khẳng định năng lực quản lý có tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp".

Đối với DNNVV ở Đức, sự kết hợp hiệu quả và sử dụng các nguồn lực hợp lý với kinh nghiệm dạn dày của người lãnh đạo vốn có sự đúc kết từ truyền thống và tiếp nối qua nhiều thế hệ đã giúp khối DNNVV đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, tận dụng được những lợi thế từ nguồn lực sẵn có, cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn, DNNVV ở Đức luôn biết cách xây dựng những lợi thế cạnh tranh cho riêng mình để vươn lên trở thành những “chiến binh" trên toàn cầu, xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp.

Điều này cũng bổ trợ cho lý thuyết tiếp theo là "Lý thuyết nguồn lực doanh nghiệp và năng lực động của doanh nghiệp". Theo đó, Barney (1991) cho rằng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nếu không được xây dựng dựa trên nền tảng nguồn lực bên trong của doanh nghiệp đó sẽ không thể tạo được ưu thế lâu dài vì hoàn toàn có thể bị bắt chước" hay Rindova và Fombrun (1999) cho rằng các nguồn lực của doanh nghiệp là nhân tố chính giúp doanh nghiệp có thể có được lợi thế cạnh tranh. Chính những đặc trưng, giá trị cốt lõi của khối DNNVV ở Đức vốn được đúc kết và xây dựng qua nhiều thế hệ đã tạo ra cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh mà đối thủ không thể sao chép hoặc dễ dàng học theo. Điều đó giúp cho các DNNVV ở Đức được ví như những "nhà vô địch ẩn danh", chiếm thị phần lớn trên toàn cầu.

Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đức

Khái niệm về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được đề cập ở Đức từ năm 2012 và những năm gần đây, một loạt sáng kiến, chương trình hỗ trợ DNNVV được Chính phủ cấp vốn nhằm giúp khối doanh nghiệp này triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng các lĩnh vực công nghệ có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua Chương trình “Đổi mới sáng tạo Trung ương dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - ZIM" được cấp ngân sách 548 triệu euro năm 2017 hay Chương trình “Đổi mới DNNVV: KMU-Innovativ". Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, động lực để các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng thực hiện chuyển đổi số là rất lớn.

Theo đó, các DNNVV ở Đức ngày càng sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội để tiếp cận với các đối tượng khách hàng của mình. Ở đó, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ một cách sáng tạo và hiệu quả.

Một cuộc khảo sát vào tháng 04/2020 khi đại dịch mới bùng phát cho thấy, có 43% DNNVV đã thực hiện điều chỉnh mô hình kinh doanh, đặc biệt là phương thức bán hàng để ứng phó trong cuộc khủng hoảng này. Nhiều DNNVV đã chuyển phần lớn hoạt động bán hàng sang nền tảng trực tuyến hoặc qua hệ thống điện thoại". Với những hạn chế vẫn còn áp dụng để phòng chống dịch bệnh, các hoạt động thương mại điện tử có thể giúp nhiều DNNVV tạo ra doanh thu, bù đắp cho hoạt động cố định như ngày trước. Lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi số trong đại dịch là rõ ràng.

Đối với lĩnh vực logistic, do những nỗ lực số hóa trong quá khứ, các DNNVV trong ngành vận tải và hậu cần đã vượt qua những khó khăn trong đại dịch một cách khá tốt. Đây có thể được xem là ngành có quá trình chuyển đổi số tiền phong trong các ngành, lĩnh vực ở Đức.

Nhân viên trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần và vận tải thường xuyên phải làm việc dưới áp lực về thời gian. Hơn 25% số nhân viên đã sử dụng vận đơn điện tử và chữ ký điện tử để giúp giảm bớt thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điều này cũng giúp các hoạt động được chính xác và hiệu quả hơn.

Theo thống kê, 72% số doanh nghiệp trong ngành này đã tiết giảm chi phí và 65% số doanh nghiệp tăng năng suất làm việc cũng như sự hài lòng của khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu thời gian thực. Điều này cũng trực tiếp giúp chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ nói chung đạt hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, các DNNVV đã đầu tư rất nhiều cho thiết bị di động và quyền truy cập di động vào các giải pháp số, chẳng hạn như hình thức họp trực tuyến, làm việc online, đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp diễn ra thông suốt. Theo đó, 78% các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã sử dụng phân tích dữ liệu để theo dõi và tối ưu hóa quy trình hoặc phát triển sản phẩm mới.

20% DNNVV liên kết phân tích dữ liệu với trí tuệ nhân tạo (AI), ví dụ như để lập kế hoạch và quản lý kho tốt hơn hoặc có thể ước tính sự phát triển của phân khúc khách hàng và thị trường. Trong công cuộc chuyển đổi số này 30% các doanh nghiệp đã sử dụng các giải pháp điều khiển, giám sát từ xa thiết bị và máy móc.

Nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức đã có một lộ trình rõ ràng trong tiến trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình. Đức cũng đang thực sự làm tốt hơn phần còn lại của thế giới khi mà chỉ số sẵn sàng kỹ thuật số do Cisco công bố vào tháng 3/2019 cho thấy Đức giữ vị trí thứ 6 trên toàn cầu. Việc xếp hạng này cũng được kì vọng sẽ còn cải thiện trong tương lai.

TS. Trần Đình Hưng - Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang