Cốc dùng một lần chứa chất độc Polystyrene có thể gây ung thư

author 15:35 14/07/2023

(VietQ.vn) - Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene. Đây là một loại chất độc, nguy hiểm đến sức khỏe có thể gây ung thư.

Cốc nhựa dùng một lần đựng thực phẩm chứa chất gây ung thư

Cốc nhựa dùng một lần không còn quá xa lạ với người tiêu dùng, nó được sử dụng phổ biến vì nhẹ, bền, dễ sử dụng nhưng nó cũng mang lại những tác hại khôn lường. Do mức giá rẻ lại tiện lợi sử dụng, đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích nhỏ lẻ đều sử dụng cốc nhựa dùng một lần.

Tuy nhiên theo kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene có màu trắng, nhẹ, tính dẻo. Nhờ những đặc tính trên mà Polystyrene rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng chất Polystyrene là một loại chất độc, nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là có liên quan đến bệnh ung thư.

Cùng bàn về vấn đề trên, báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cũng cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người (sản sinh những nhiễm sắc thể bất thường gây dị tật thai nhi), gây rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột quỵ),….

 Cốc nhựa dùng một lần chứa chất độc Polystyrene có thể gây ung thư. Ảnh minh họa

Chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hiện lệnh cấm sản xuất cốc nhựa và sử dụng cốc nhựa làm từ chất Polystyrene được đưa ra tại Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới.

Theo các chuyên gia, mặc dù phần đông người dân nhận thấy tình trạng ô nhiễm chất thải rắn trong môi trường sống xung quanh, nhưng rất nhiều người chưa sẵn sàng sử dụng vật liệu thay thế cho cốc và đồ nhựa dùng một lần.

Việc gia tăng tình trạng sử dụng cốc và những đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua khiến lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilon còn rất phổ biến. Những vật liệu này được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, và đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư.

Chưa kể cốc và các đồ nhựa dùng một lần chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi... có thể thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sảy thai, gây dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người.

Liên quan tới tác hại của đồ nhựa, GS Vande Voort - Đại học California, Mỹ, cảnh báo, đồ dùng bằng nhựa còn chứa các hóa chất như BPA (có tác dụng làm cứng nhựa) và nitrat (thành phần giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn) là một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều thập kỷ nhưng các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những chất này không an toàn, có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Thêm vào đó, BPA có thể dẫn đến sẩy thai và gây khó thụ thai cho phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy các chất độc được tìm thấy trong nhựa có thể gây dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển ở trẻ em.

Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận rằng, việc tránh sử dụng các hóa chất này có thể khó khăn nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Các đồ dùng không chứa độc tố như hộp đựng thực phẩm bằng thép hoặc chai thủy tinh tái sử dụng thường có giá cả cao hơn. Thực phẩm tươi sống, hữu cơ không chứa chất bảo quản cũng đắt tiền hơn.

Nhằm thực hiện việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, cần sự phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng và cả ý thức của người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm phải tuyên truyền, cảnh báo đến người dân việc sử dụng các loại bao bì nhựa là vô cùng nguy hại. Sự vào cuộc của mỗi người dân có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, giữ gìn môi trường sống.

TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa sử dụng bao bì nhựa dẻo vì có thể dùng nhầm loại không thích hợp, tái sử dụng loại dùng một lần, hoặc dùng loại chứa các dẫn chất phtalat hay BPA gây độc hại. Do vậy, tốt nhất là người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, ống hút nhựa bằng ống hút tre, túi nhựa bằng túi giấy…

Người dân không nên sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn bởi chúng chứa nhiều loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Quy chuẩn với bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm

Nhằm quản lý an toàn vệ sinh với bao bì, dụng cụ tiếp xúc thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành một số QCVN để quy định cụ thể các yêu cầu với đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm này.

Từ xưa, loài người đã biết tận dụng các loại lá cây, vỏ cây, da thú, ống tre... để tạo ra bao bì thô sơ chứa đựng các vật phẩm. Qua thời gian, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, bao bì ngày càng đa dạng về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của con người.

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều loại bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người sử dụng. Đặc biệt, bao bì kém chất lượng trong quá trình vận chuyển, bảo quản không được tối ưu dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Nhằm kiểm soát nhóm sản phẩm này, Bộ Y tế đã ban hành 4 bộ quy chuẩn QCVN 12-4:2015-BYT, QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT quy định các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quản lý về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men, nhựa tổng hợp, kim loại, cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Cụ thể với nhóm dụng cụ bao bì bằng nhựa, Bộ Y tế yêu cầu giới hạn hàm lượng chì, cadmi không quá 100 µg/g, ngoài ra các bao bì, dụng cụ từ nhựa Phenol, Melamin và Ure phải đạt yêu cầu giới hạn phenol, formaldehyd, cặn khô...

Các sản phẩm là bao bì, dụng cụ nhựa nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng trong nước phải được công bố hợp quy theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định của pháp luật. Với nhóm dụng cụ bao bì bằng cao su theo QCVN 12-2:2011/BYT ngoài quy định giới hạn chì, cadmi còn có 2Mercaptoimidazolin (cao su chứa Clor).

Trong QCVN 12-4:2015/BYT quy định các loại sản phẩm dụng cụ, bao bì bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men có giới hạn chì, cadmi. Còn trong QCVN 12-3: 2011/BYT ngoài quy định giới hạn chì và cadmi, các dụng cụ, bao bì bằng kim loại còn có arsen, phenol, formaldehyd, epichlorohydrin, cặn khô, vinylchlorid thôi nhiễm trong quá trình sử dụng.

Quy chuẩn cũng quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng các sản phẩm bao bì, dụng cụ cao su phải công bố hợp quy phù hợp với quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục An toàn Thực phẩm và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang