'Bối rối' trong quản lý hoạt động thương mại điện tử?

author 14:11 27/04/2017

(VietQ.vn) - Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo ra không ít biến tướng, dẫn tới hệ lụy xấu. Tuy nhiên việc quản lý hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là nhận định của các lực lượng chức năng tại Tọa đàm "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử"  vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên mạng trực tuyến ngày càng tăng về số lượng, độ phức tạp và liên quan đến tất cả các đối tượng của quyền SHTT làm cho vấn đề bảo hộ quyền SHTT trong môi trường mới này đang gặp phải những thách thức mới.

Nói về hành vi xâm phạm nổi bật được phát hiện trên mạng Internet là hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên các trang thương mại điện tử. Ông Trần Hùng cho biết, đây là một trong những vấn đề xâm phạm nhãn hiệu nghiêm trọng trên mạng Internet mà hiện tại không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt. 

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia

Cụ thể, hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên các trang thương mại điện tử thông qua hệ thống trao đổi mua bán, giao dịch trên mạng Internet. Tất cả các thông tin về người bán và người mua gần như được ẩn danh và bảo mật bởi các đơn vị chủ trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các thông tin về việc giao dịch hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên các trang thương mại điện tử này được mã hóa hoặc được trao đổi trực tiếp giữa các bên mua và bán, dẫn đến việc xác minh hành vi xâm phạm gặp khó khăn.

Cùng với đó, hành vi trục lợi tên miền là hành vi đăng ký chiếm dụng tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nhãn hiệu nổi tiếng nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

Do sự phát triển mạnh của Internet nên môi trường điện tử đang là một kênh thông tin, tiếp thị rất hữu ích của người bán hàng, việc sử dụng tên miền dựa trên các nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nổi tiếng sẽ dễ dàng giúp người tiêu dùng tin tưởng và chấp nhận. Tuy nhiên, chính điều này và cộng thêm với nguyên tắc sở hữu tên miền ai đăng ký trước thì được quyền sử dụng đã khiến rất nhiều thương hiệu lớn gặp khó khăn.

“Văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389 quốc gia với nhiệm vụ trọng tâm là chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian vừa qua đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, điều hành các lực lượng chức năng từ trung ương đến cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, vẫn có hạn chế như cơ chế chính sách chưa đồng bộ; sự phối hợp các cơ quan chức năng có lúc thiếu chặt chẽ; điều kiện phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu” - Ông Trần Hùng cho biết.

Nhìn nhận từ thực trạng trên, Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an cho rằng việc quản lý hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, hoạt động của lực lượng cảnh sát kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là nhận thức của nhiều người về thương mại điện tử chưa cao. Chưa có cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như chống xâm phạm sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Tiếp theo là sự bất cập trong phân công, phân cấp công việc trong lực lượng cảnh sát.

“Lực lượng cảnh sát kinh tế chúng tôi có chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng đó là những loại hàng hóa bày bán công khai trên thị trường. Còn với đối tượng tội phạm lợi dụng hình thức thương mại điện tử để buôn bán tiền giả, vũ khí, ma túy lại thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật thông qua mạng Internet lại do cục này xử lý. Nếu chúng tôi xử lý sẽ là làm sai chức năng, thẩm quyền. Đó là cái khó của chúng tôi” - Ông Trực cho biết.

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an

Ngoài ra, Đại tá Hoàng Văn Trực cũng cho rằng vẫn còn sự bất cập trong việc phối hợp giữa lực lượng cảnh sát kinh tế và các cơ quan chức năng khác, dẫn đến trường hợp lực lượng cảnh sát kinh tế muốn phối hợp với một số cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý một số vụ việc nhưng bị nhiều đơn vị từ chối với những lý do như bận, không có người tham gia.

“Chức năng chủ yếu của chúng tôi là xử lý hình sự, khởi tố, đề nghị truy tố. Phần lớn những vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả nếu không khởi tố được được sẽ bị xử lý hành chính. Trong bối cảnh môi trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng như hiện nay, nếu vụ việc không khởi tố được, phải chuyển sang xử lý hành chính sẽ càng khó khăn hơn” - Ông Trực cho biết.

Đại tá Hoàng Văn Trực đưa ra kiến nghị, các bộ, ngành nên tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử để các chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát kinh tế hiểu và có biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, cần có quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ việc. Cuối cùng, việc buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ cần phải bị xử lý hình sự một cách nghiêm khắc.  

 Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang