Công nghiệp phụ trợ: Nhiều ưu đãi vẫn dậm chân tại chỗ

author 06:52 02/09/2014

(VietQ.vn) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thời gian qua là ngành công nghiệp nhận được nhiều ưu đãi từ những chính sách ưu đãi của Chính phủ nhưng sự phát triển còn rất chậm, hầu như dậm chân tại chỗ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hưởng nhiều chính sách ưu đãi

Ông Lê Hồng Thăng, Giám Đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù đã có bước phát triển nhất định, nhưng khi bước vào hội nhập, CNHT vẫn đang ở trình độ thấp, còn khoảng cách lớn về trình độ khi so sánh với các nước khu vực. CNHT trong nước chỉ mới làm được các linh phụ kiện đơn giản cho khối FDI. Trong khi đó các DN FDI rất khó tìm được nhà cung cấp là các DN CNHT trong nước.

Chủ tịch HANSIBA, ông Nguyễn Hoàng cho rằng, nhiệm vụ giải quyết bàn toán phát triển ngành CNHT thời gian tới còn hết sức khó khăn mà nguyên nhân chính là do Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực CNHT chậm, năng lực tài chính, con người, công nghệ sản xuất còn thiếu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa thực sự sâu sát tới đời sống DN.

Công nghiệp phụ trợ - Nhiều ưu đãi vẫn dậm chân tại chỗ

Công nghiệp phụ trợ nhận được nhiều ưu đãi nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Ảnh minh họa

Những cản trở lớn nhất đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là vốn đầu tư lớn; thiếu hỗ trợ tích cực từ chính sách thuế, đất đai, khoa học kỹ thuật; thiếu nhân lực có chất lượng.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Anh Hoài lấy ví dụ: Samsung có nhu cầu được cung ứng 150 loại linh kiện cho hoạt động sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ Công Thương với các DN điện tử đầu ngành trong nước thì không nơi nào có khả năng đáp ứng. Vì nếu chỉ để sản xuất được vỏ điện thoại thì DN phải đầu tư công nghệ, phần mềm có chi phí khoảng 500 triệu USD (mức đầu tư quá cao so với năng lực của các DN Việt Nam).
Ước tính, chỉ trong năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ngành điện tử, dệt may, da giày có thể lên đến khoảng 53,2 tỷ USD. Chỉ cần DN trong nước sản xuất được 10-15% linh kiện cho ngành sản xuất công nghệ cao là đã mang lại giá trị không nhỏ.

Doanh nghiệp còn e dè

“Tuy nhiên, phần lớn các DN, ngay cả những DN quy mô lớn còn e dè, khi nói đến lĩnh vực này. Rào cản lớn nhất trong phát triển các ngành công nghiệp đó là công nghệ sản xuất. Trong khi đó, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại đòi hỏi công nghệ cao, có mức đầu tư lớn”, ông Trương Anh Hoài nhận định.

Hiện tỷ lệ DN hoạt động trong ngành CNHT chiếm một phần rất nhỏ: sản xuất linh kiện kim loại có khoảng 1.000 DN; sản xuất linh phụ kiện cho ngành dệt may là 1.300 DN;  ô tô đang có khoảng 210 DN và chỉ sản xuất được những phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…

Tìm đầu ra, gỡ hướng phát triển cho ngành CNHT Việt Nam đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn như: Tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN CNHT thuê lâu dài, ổn định với giá ưu đãi; chính sách thuế, cần xếp các DN sản xuất CNHT vào nhóm DN ưu đãi về thuế; nới lỏng các chính sách tín dụng để giúp DN tiếp cận được nhiều nguồn vốn ưu đãi…

Ông Đặng Huy Đông-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư khẳng định nếu không nhanh chóng có giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội mà TPP mang lại một khi Hiệp định này được ký kết. Để giải bài toán này, ông Đông cho biết phía Bộ cũng đang có đề án xây dựng cụm liên kết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam trên quy mô lớn nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh. Về tài chính, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng thương mại cũng hứa hẹn dành một số gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp cho lĩnh vực phụ trợ cho các ngành CNHT đặc thù. Cụ thể, đại diện ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết, từ cuối năm nay, TPBank sẽ dành số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng cho các DN CNHT vay vốn với hình thức tín chấp bằng các loại tài sản đảm bảo, ưu tiên đầu tư cho một số ngành CNHT đặc thù như tin học, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may – da giày. Theo đó, phía TPBank ưu đãi lãi suất 8%/năm với VNĐ cho các doanh nghiệp hỗ trợ. Đồng thời cam kết cắt giảm 40% chi phí và thủ tục vay vốn.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ trình Chính phủ và ban hành vào quý IV/2014, chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… đối với các DN CNHT Việt Nam.

Đồng thời, Nghị  định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.

Duy Anh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang