Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo mỹ phẩm như thuốc, 'thổi phồng' chất lượng sản phẩm

author 10:35 24/08/2022

(VietQ.vn) - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo hàng loạt mỹ phẩm có công dụng như thuốc điều trị bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

“Nóng” tình trạng quảng cáo mỹ phẩm không đúng công dụng, chất lượng thực tế

Những năm gần đây, với mức sống ngày càng được nâng cao, rất nhiều người tiêu dùng Việt đã sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm để chăm sóc sắc đẹp như một nhu cầu thiết yếu. Theo báo cáo mới nhất, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020 số người sử dụng mỹ phẩm đã tăng lên 30%. Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm tăng trưởng cũng khiến cho ngành công nghiệp mỹ phẩm tăng trưởng mạnh tại nước ta với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các sản phẩm, thương hiệu mỹ phẩm với chủng loại, mẫu mã, giá cả đa dạng và phong phú.

Sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, thương hiệu mỹ phẩm trên thị trường đã đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó có vấn nạn mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, xuất phát từ lợi nhuận cao, một số đơn vị kinh doanh còn tung ra chiêu bài quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh (viết tắt là Công ty A.S.D.A) có địa chỉ tại số 16 Khu giãn dân, tổ dân phố Đình, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Liên quan tới vấn đề trên, mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 7261/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm. Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian qua, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về mỹ phẩm tại địa bàn theo các nội dung được phân cấp quản lý, quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế (Công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trên địa bàn; Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm; Công tác thanh, kiểm tra giám sát hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường…).

Văn bản cho biết, hiện có tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo trên mạng rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, có nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Quảng cáo sản phẩm không phù hợp tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.

Qua công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ đã công bố, thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không thông báo với cơ quan quản lý theo quy định. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; Một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Để thực hiện tốt công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn; Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý.

Ngoài ra, các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, các đơn vị tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm online nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; Quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo các sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tiếp tục rà soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Sở Y tế cấp số tiếp nhận thời gian qua; Cập nhật thường xuyên danh mục các chất sử dụng trong mỹ phẩm, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm theo quy định;

Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành; Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.

Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo mỹ phẩm sai sự thật

Mặc dù hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố bị cấm, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những doanh nghiệp cố ý làm trái quy định này.

Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh (viết tắt là Công ty A.S.D.A) có địa chỉ tại số 16 Khu giãn dân, tổ dân phố Đình, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Công ty này do ông Nguyễn Văn Lân là Giám đốc, đại diện pháp luật.

Công ty TNHH TMDV&ĐT Aesthetic Solution Diệp Anh (Công ty A.S.D.A) quảng cáo mỹ phẩm như "thần dược".

Thời gian qua, thông qua trang Facebook có tên Estilad Vietnam, công ty này thường xuyên đăng tải các quảng cáo về loại mỹ phẩm có tên là Estilad aesthetics gồm dạng tiêm, dạng viên uống và dạng kem bôi dưỡng với rất nhiều ngôn ngữ chỉ sử dụng cho thuốc như “trị, đặc trị, đánh bay, trị tận gốc…”.

Đặc biệt, trong một số quảng cáo công ty này còn tự phong sản phẩm của mình phân phối là thần dược. Tiêu biểu là quảng cáo dòng kem dưỡng Skin Booster Stem Cells Serum đăng ngày 1/4/2022, trong đó ghi rõ: “Thần dược giải quyết mọi vấn đề của làn da”. Sản phẩm Whitening 1500 do công ty này phân phối cũng ghi nội dung: “hô biến làn da sạm nám trở nên trắng sáng mịn màng”.

Không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo sai sự thật về công dụng mỹ phẩm trên mạng xã hội, ngày 15/7 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh còn đứng ra tổ chức Hội thảo có tiêu đề “Cập nhật các hoạt chất kinh điển trong điều trị nám bằng công thức Messo mới” diễn ra tại Trung tâm tổ chức sự kiện Star Galaxy 87 Láng Hạ (Hà Nội) quy tụ hàng trăm chị em nữ giới. Tại hội thảo, Công ty tự in ấn, phát cho khách tài liệu quảng cáo sai công dụng về sản phẩm do công ty phân phối, trong đó ghi các sản phẩm có công dụng điều trị, đặc trị…

Cụ thể, sản phẩm Stop Acne được quảng cáo có công dụng "điều trị mụn từ mức độ nhẹ đến nặng, giúp tiêu viêm nhanh chóng chỉ trong vòng 24h". Sản phẩm Eyebella được quảng cáo có công dụng "điều trị vùng da mắt với ba tác động trị thâm quầng mắt, bọng mắt và nếp nhăn quanh mắt". Sản phẩm DCFR được quảng cáo có công dụng "điều trị mỡ vùng mặt, giúp cải thiện mỡ vùng nọng cằm, bọng mắt". Các sản phẩm này đều có giá trên 2 triệu đồng.

 Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh tự in ấn tài liệu quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh. Đây là hành vi bị cấm.

Trong khi đó, theo Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Nhìn vào những phân tích trên, có thể thấy, mặc dù chỉ là mỹ phẩm nhưng các sản phẩm nêu trên lại được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sai quy định pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. 

Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Tại sao Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh lại quảng cáo mỹ phẩm giống với thuốc chữa bệnh? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường hay không?

Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã tới trụ sở Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh tại số 16 Khu giãn dân, tổ dân phố Đình, Phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội để liên hệ. Tuy nhiên, tại đây chỉ có biển hiệu của công ty mà không có hoạt động kinh doanh nào diễn ra. Một người giúp việc tại căn nhà này cho biết, chủ nhà đã đi vắng và ở đây không có văn phòng công ty. Vậy vì sao Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư Aesthetic Solution Diệp Anh lại đăng ký kinh doanh ở địa điểm nói trên nhưng thực tế lại không có văn phòng công ty hoạt động tại đây?

Phóng viên cũng liên hệ tới số điện thoại của ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Công ty. Đầu dây bên kia, một người nhận là trợ lý của ông Lân cho biết đã tiếp nhận phản ánh và sẽ thông báo tới Giám đốc để phản hồi thông tin. Tuy nhiên, dù đã qua nhiều ngày liên hệ, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn đề nghị Sở Y tế TP.Hà Nội, Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có).

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang