Bình Định: Tạm giữ nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 06:27 19/08/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.

Đội Quản lý thị trường số 3 vừa phối hợp với Phòng PC03 – Công an tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 3 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận rất nhiều các mặt hàng mỹ phẩm, chủ yếu là son môi, sữa rửa mặt, phấn trang điểm, chì kẻ mắt,...với các nhãn hiệu innisfree, 3CE, Black Roug Airfitvelvet,...

Lực lượng quản lý thi trường kiểm tra số hàng nghi nhập lậu. Nguồn: Tổng cục QLTT

Trên các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 600 sản phẩm, với tổng trị giá hàng hóa gần 100 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều rủi ro đến sức khỏe của người tiêu dùng, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.

Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Còn về vấn đề nhãn mác bao bì, theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, sản xuất mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu trên bao bì phải có tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cụ thể như: số lô, số công bố, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, định lượng.

Theo chuyên gia pháp lý, tại Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định về ghi nhãn phụ như sau:

1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của nghị định này.

2. Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường.

3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa quy định tại nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang