Công ty Thiên Kim Group kinh doanh TPCN chứa chất cấm

author 16:39 19/07/2023

(VietQ.vn) - Mới đây Cục QLTT TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ lô hàng thực phẩm chức năng có chứa chất cấm của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group.

Cụ thể, trước đó Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội đã phối hợp Công an quận Hà Đông và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe của Công ty CP đầu tư TM&DV Thiên Kim Group có địa chỉ tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội).

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng hoá không có hóa đơn chứng từ, không có công bố chất lượng sản phẩm gồm: 84 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, trên nhãn ghi Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển BECORP; sản xuất tại Công ty Cổ phần dược phẩm TOP QUEEN Việt Nam; 1.600 hộp Viên uống hỗ trợ giảm cân SBODY Healthy Supplement Made in USA; 5.000 hộp Viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement Made in USA.

Công ty Thiên Kim Group kinh doanh thực phẩm chức năng chứa chất cấm. Ảnh: Nhân dân 

Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng còn ghi nhận 1 chiếc máy dán nhãn GPG Gearhead 5GN-10k không rõ nguồn gốc xuất xứ đã qua sử dụng và 30kg nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, trên nhãn ghi tên một doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối tại địa chỉ: Liền kề 223-HTT3-La Casta Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội và địa chỉ sản xuất tại Công ty Cổ phần dược phẩm TOP QUEEN Việt Nam ở làng nghề xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Toàn bộ số hàng hóa, nguyên liệu, máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói các sản phẩm trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định.

Sau khi đưa một số loại thực phẩm chức năng trên đi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho thấy, bên trong các sản phẩm bị thu giữ có chứa chất Sibutramin và Cyproheptadin. 

Căn cứ theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế “Thông tư quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, lực lượng chức năng xác định đây là 2 chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vì có thể gây đột quỵ, tổn thương não, nhồi máu cơ tim và nhiều nguy cơ nguy hiểm khác cho người sử dụng.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, có tính chất phức tạp do liên quan nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ và tang vật của vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để tiếp tục điều tra, làm rõ và đưa ra kết luận xử lý cuối cùng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Sibutramine là một loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Hoạt chất Sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó đã bị cấm tại Singapore từ năm 2010 do làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tại Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. 

Theo Điều 2 Thông tư 10/2021/TT-BYT, khi xây dựng danh mục chất cấm tại Việt Nam, cần phải đáp ứng những nguyên tắc sau: Bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học. Phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và yêu cầu quản lý nhà nước. Chất đưa vào Danh mục là chất có khả năng gây hại đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hoặc các chất không thuộc loại dùng trong thực phẩm.

Ngoài các danh mục chất cấm, theo khoản 1 Điều 10 của Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2010 còn quy định điều kiện chung về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:

Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.”

Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; Quy định về bảo quản thực phẩm."

Cụ thể, thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hàm lượng quy định tại các văn bản pháp luật như sau: Giới hạn vi sinh vật gây bệnh: Thông tư 05/2012/TT-BYT; Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Thông tư 50/2016/TT-BYT; Dư lượng thuốc thú ý, Dư lượng kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm: Quyết định 46/2007/QĐ-BYT; Quy định về chất phụ gia thực phẩm: Thông tư 24/2019/TT-BYT.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang