CSGT đuổi xe vi phạm: Nên hay không?

author 20:44 18/07/2013

(VietQ.vn) - Trung tá Nguyễn Trung Thành-Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 4 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt-Công an TP.Hà Nội khuyến cáo Cảnh sát giao thông không nên truy đuổi những trường hợp vi phạm cố tình bỏ chạy.

Theo lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông số 4, đối với những trường hợp vi phạm trật tự giao thông cố tình bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh, lực lượng chức năng không nên truy đuổi để tránh gây nguy hiểm cho người đi đường và chính bản thân mình. Về phần tài xế bị truy đuổi chắc chắn sẽ phóng nhanh nên nguy cơ đâm vào người đi đường, gây tai nạn là rất cao. Cách giải quyết những trường hợp này tốt nhất là ghi lại biển số xe rồi sau đó mời người điều khiển xe vi phạm đến làm việc, chỉ rõ vi phạm và phạt nguội.

Hình ảnh truy đuổi xe ô tô vi phạm

“Đã có nhiều lần tôi nhắc nhở, khuyến cáo anh em trong đội để đảm bảo an toàn giao thông. Trừ trường hợp truy đuổi tội phạm thì bắt buộc”, trung tá Thành nói.

Cũng theo ông Thành, vụ việc các chiến sĩ tham gia truy đuổi tài xế Đỗ Văn Khuê (24 tuổi, quê ở Hà Nam) trên phố đông người hôm 8.7 do không chấphành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, rồ ga lao xe vào Cảnh sát giao thông là không đáng khen mà đáng chê nhiều hơn. “Tài xế Khuê không những không chấp hành hiệu lệnh mà còn cho xe lao thẳng vào anh em đang làm nhiệm vụ khiến “máu nghề” nổi lên đã phóng xe đuổi theo chặn lại. Lẽ ra, anh em nên giữ bình tĩnh hơn”, ông Thành nói.

“Tài xế Khuê đã vi phạm lỗi không chấp hành, chống người thi hành công vụ. Thậm chí, có thể bị xem xét hành vi Giết người do có hành động lao mạnh xe vào người đang thi hành công vụ. Hành vì đó có thể gây nguy hiểm dẫn đến chết người”, trung tá Thành cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 4, đội ngũ lái xe taxi thường vi phạm lỗi dừng đỗ sai quy định, khi bị kiểm tra thì thường xuyên rồ ga bỏ chạy.

Cũng trong chiều nay, Đội Điều tra tổng hợp thuộc Công an Q.Hoàng Mai (Công an TP.Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Đỗ Văn Khuê để điều tra về hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Liên quan tới vụ việc, hiện cơ quan công an đã làm rõ, trước đó sáng ngày 8.7, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 4 thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.Hà Nội) làm làm nhiệm vụ tại gã tư Giải Phóng – Đại Cồ Việt, phát hiện Đỗ Văn Khuê điều khiển ô tô mang BKS 29X 3096 theo hướng đường Đại Cồ Việt ra hầm chui Kim Liên đi sai làn đường và chuyển làm giao thông khi không có tín hiệu, đã lập tức ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra hành chính, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, thay vì dừng xe, lái xe Khuê đã bất ngờ tăng ga bỏ chạy qua nhiều tuyến phố, đường như Lê Duẩn, Đào Duy Anh, Giải Phóng, Giáp Bát (Q.Hoàng Mai). Sau nhiều lần áp sát không thành các chiến sĩ CSGT đã gọi chi viện và chặn được chiếc ô tô 'điên" này tại phường Giáp Bát. Tổng đoạn đường truy đuổi gần 4 km.

* Đại tá Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an Hà Nội):
 
Không khuyến khích
 
Với những trường hợp chống đối, lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác, ví dụ như dùng bút ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm sau đó cung cấp cho lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc, truy xét, xử lý. Trong các cuộc họp, hội nghị nghiệp vụ, ban giám đốc luôn quán triệt lực lượng công an trong quá trình thực thi công vụ phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo vừa xử phạt nghiêm minh, đúng đối tượng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc pháp luật phải được thượng tôn.
 
* Trung tá Đỗ Chí Hà (đội CSGT Công an Q.8, TP.HCM):
 
Không cần thiết
 
Việc chúng tôi tập trung kiểm tra, xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không có tem chứng nhận hợp chuẩn theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền là cần thiết. Tuy nhiên, việc có truy đuổi người vi phạm lỗi không đội MBH, đội MBH không có tem hợp chuẩn chất lượng khi họ không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT thì cần cân nhắc. Theo quan điểm của tôi, việc truy đuổi là không cần thiết. Không chỉ lỗi không đội MBH mà ngay cả những lỗi vi phạm thông thường khác, nếu không phải lỗi gây nguy hiểm trực tiếp cho người đi đường hoặc không phải tội phạm đang bỏ trốn, cũng không cần thiết phải truy đuổi.
 
Các tổ tuần tra của chúng tôi không chỉ có một vị trí, vì vậy khi phát hiện người vi phạm bỏ chạy, chúng tôi có thể thông tin cho các tổ, nhóm khác để phối hợp chặn bắt, xử lý. Khi biện pháp phối hợp chặn bắt không hiệu quả, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi hoàn toàn có thể ghi nhận đặc điểm, nhận dạng của người điều khiển phương tiện, dấu hiệu của xe và biển số đăng ký để gửi giấy mời về tận nhà người vi phạm, lập biên bản, ra quyết định “phạt nguội”.
 
* Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (tòa hình sự TAND TP.HCM):
 
Cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn
 
Việc CSGT dùng xe công vụ để đuổi theo người vi phạm sau khi đã có hiệu lệnh dừng xe mà người vi phạm vẫn tiếp tục bỏ chạy là cần thiết, để đảm bảo kỷ cương, trật tự xã hội. Nếu người vi phạm nào cũng cố tình phớt lờ, không chấp hành hiệu lệnh, việc kiểm tra của CSGT thì trật tự xã hội sẽ không còn. Không thể để tình trạng CSGT yêu cầu dừng xe mà người đi đường thích thì dừng, không thích thì cứ tự do bỏ đi. Dù chưa biết yêu cầu dừng xe của CSGT là đúng hay không nhưng CSGT là những người được Nhà nước trao quyền để thực thi công vụ thì trách nhiệm công dân là phải chấp hành trước đã.
 
Trong những trường hợp người vi phạm cố tình bỏ chạy khiến CSGT buộc phải đuổi theo mới chịu dừng xe thì cũng cần coi là tình tiết tăng nặng để đưa ra mức xử phạt cao hơn những người chấp hành hiệu lệnh. Tuy nhiên vi phạm giao thông chỉ là vi phạm nhỏ, không phải là tội phạm có khả năng gây nguy hiểm đến nỗi CSGT phải truy bắt bằng được. Việc quyết định các tình huống truy đuổi, CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật. Có nhiều trường hợp vì tức giận mà CSGT đã có thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm người dân hay đánh, đạp xe, gây nguy hiểm cho người vi phạm thì những CSGT này cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự do hậu quả mình gây ra.
 
* Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):
 
Không nên
 
CSGT không cần thiết phải truy đuổi người vi phạm nhẹ như không đội MBH khi đi đường, vượt đèn đỏ hay các lỗi vi phạm đơn giản khác. Người dân không đội MBH chỉ vi phạm Luật giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm nên tuyệt đối CSGT không được dùng vũ lực để trấn áp khi truy đuổi. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong quá trình truy đuổi của CSGT phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này.
 
Những người vi phạm với lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT được quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn. Những việc này đều đã được quy định trong quy trình về kiểm tra, kiểm soát giao thông. (TT)

Mai Tuân - Long Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang