Cty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An: ‘Nhân viên bán TPBVSK Khang Cốt Đơn không cần có trình độ chuyên môn’?

author 10:16 27/11/2020

(VietQ.vn) - Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online, bà Phạm Thị Thu – đại diện Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An cho biết, nhân viên bán sản phẩm Khang Cốt Đơn do công ty tuyển dụng là nhân viên chốt sale bình thường, không cần có trình độ chuyên môn về y dược…

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khang Cốt Đơn do Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An phân phối.

Quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã thông tin trong bài viết "Lật tẩy ‘chiêu’ thổi phồng chất lượng sản phẩm Khang Cốt Đơn, gài bẫy người dùng?” liên quan tới sự việc sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khang Cốt Đơn do Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (địa chỉ tại Tầng 9 toà nhà văn phòng Intracom, Số 33 đường Cầu Diễn, Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phân phối có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Theo xác minh của phóng viên, sản phẩm Khang Cốt Đơn do Công ty cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp (địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất. Thực chất đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, thời gian qua, trên hàng loạt website như: khangcotdon.netkhangcotdon.vnkhangcotdon.inforsuckhoe24h.net.vnv.v… sản phẩm Khang Cốt Đơn đang được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh.

Khang Cốt Đơn được quảng cáo công dụng với nhiều từ ngữ như: “đặc trị” bệnh xương khớp; Kháng viêm, giảm đau nhanh, ức chế các tác nhân phá hủy sụn khớp, phục hồi chức năng xương khớp; Hỗ trợ điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh nhờ vậy mà sẽ không có tình trạng tái phát; Giải pháp hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh xương khớp - số 1 hiện nay…”. Tuy nhiên, theo nội dung Giấy phép quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, Khang Cốt Đơn không có những công dụng này.

Một số website còn quảng cáo sản phẩm Khang Cốt Đơn đã được “Bộ Y tế cấp phép lưu hành và đảm bảo chất lượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện Bộ Y tế mới chỉ cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho sản phẩm Khang Cốt Đơn. Kết quả thực tế của sản phẩm ra sao thì cần thanh tra, hậu kiểm mới có thể kết luận. Do vậy, việc quảng cáo này là thiếu cơ sở và có dấu hiệu mạo danh cơ quan y tế.

Chưa dừng lại ở đó, các website điện tử còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh, thư tín của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, liệt kê từng thành phần của sản phẩm (hành vi bị cấm, rất nhiều doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt).

Bán hàng không cần chuyên môn!?

Nhằm đưa thông tin khách quan tới độc giả, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Thu - đại diện Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An. Với vai trò là Trưởng phòng nhân sự - người trực tiếp tuyển dụng nhân viên cho Công ty, bà Thu cho biết, hoạt động tư vấn, quảng bá, bán sản phẩm Khang Cốt Đơn được tiến hành bởi một bộ phận lớn nhân viên chốt sale bình thường. Hơn nữa, bà này còn khẳng định, những nhân viên được tuyển dụng không cần phải có trình độ chuyên môn về y, dược.

“Nhân viên bán hàng mà chúng tôi tuyển dụng không cần có trình độ chuyên môn y dược, có cũng được, không có cũng được”, bà Thu cho hay.

Câu trả lời của bà Thu làm dấy lên lo lắng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Khang Cốt Đơn. Lẽ nào, việc tư vấn bán Khang Cốt Đơn – sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng lại bị “coi nhẹ” khi nhân viên tư vấn không hề có chuyên môn, hiểu biết về y dược?

Điều đáng lo hơn, đại diện Công ty lại cho biết, việc nhân viên bán hàng có tư vấn, quảng cáo sản phẩm TPBVSK Khang Cốt Đơn là “thuốc chữa bệnh” chúng tôi không thể kiểm soát được hết, và thừa nhận có tình trạng trên.

Về vấn đề quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các website, bà Thu cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin, tuy nhiên đến nay đã nhiều ngày trôi qua, phía Công ty vẫn “bặt vô âm tín” và tiếp tục lảng tránh. Thực tế những quảng cáo như đã đề cập bên trên, theo ghi nhận của phóng viên vẫn tồn tại và phải chăng nhiều người tiêu dùng đã, đang và sẽ tiếp tục “sa bẫy” nếu tin vào những quảng cáo này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo!

ĐỪNG ĐỂ TIỀN LÀM MỜ MẮT!

VietQ.vn xin trích tâm sự của một cựu nhân kinh doanh TPCN online chia sẻ rộng rãi trên một số diễn đàn để cảnh báo cho người tiêu dùng đang bị đánh lừa bởi những màn quảng cáo hào nhoáng của không ít cơ sở kinh doanh TPCN.

Quay cuồng vì lợi nhuận

Mình làm Sale đông y 2 năm rồi - dù dịch bệnh nhưng hôm qua mình vẫn xin nghỉ việc!

Vì sao ư! Lương tâm và đứa con 2 tháng trong bụng mình không cho phép mình cố gắng làm nữa!

Câu chuyện bắt đầu hơn 2 năm trước, đang lúc thất nghiệp mình đọc được tin tuyển dụng với những câu từ hứa hẹn không thể nào đẹp hơn về mức lương và đãi ngộ. Mình nộp CV, được nhận và mọi chuyện bắt đầu. Lúc đầu chẳng ai nghĩ một đứa học kinh tế như mình mà lại đi làm Sale thuốc được cả, nhưng sau khi được chị Leader (chị đã nghỉ việc) đưa cho 2 tờ tài liệu (gồm 1 tờ giới thiệu về công ty và 1 tờ cách nói chuyện chốt đơn) bảo mình đọc và học thuộc trong 1 ngày.

Mình là đứa từng bán quần áo online thời sinh viên nên mấy khoản này mình học cũng nhanh, rồi sang ngày thứ 2 mình bắt đầu gọi. Gọi Sale đông y thực ra rất dễ nếu như bạn đã thuộc bài, bắt đầu tự xưng là "Y sỹ của nhà thuốc" rồi tư vấn, bệnh nhân 1 dạ 2 vâng, cộng thêm cả có tờ giấy dạy cách nói chuyện trước mặt nữa nên chốt thời đó không khó. Ban đầu mình làm về mụn, sau đó công ty chuyển sang thận và gan.

Về lương thì Sale đông y theo mình thấy khá cao, còn về đãi ngộ thì chẳng mấy ai quan tâm lắm vì cả công ty ai nấy cũng đều quay cuồng trong việc gọi để chốt thật nhiều đơn để kiếm tiền.

Thức tỉnh

Nhưng mọi chuyện thay đổi khi năm ngoái mình lấy chồng, rồi đến cái ngày mình biết tin mình có con. Ngồi nghĩ lại những cuộc gọi phản hồi của khách hàng mà thấy sao tội lỗi quá. Vì sao ư?

Đầu tiên là để được mặc bộ áo bác sỹ, để ngồi tư vấn mặt đối mặt với bệnh nhân chúng ta phải học các bạn ạ, học y đàng hoàng. Chứ cứ dựa vào mấy tờ giấy rồi chốt sale thì đúng là đang đi giết người bệnh rồi. Chưa tính đến khoản công ty đăng ký bán thực phẩm chức năng nhưng lúc nào chúng ta cũng nói là thuốc “đặc trị”, kinh khủng hơn là các công ty chẳng đăng ký gì làm chui.

Thuốc của các công ty đông y bán theo kiểu online thế này 90% đều là rác chứ đừng bảo là thuốc. Một lần mình vào kho để xin kế toán xuất tiền mua trang thiết bị, đập vào mắt mình là 3-4 bạn nhân viên hì hục ngồi đóng gói sản phẩm bằng tay, những cái viên trong trong mà bấy lâu nay mình bảo là thần dược đó được lấy trong "bì" xanh không một dòng chữ nào.

Cuối cùng chắc các bạn cũng không ít lần nghe phản hồi từ khách hàng, những người mang bệnh trong người tin tưởng chúng ta mà mua thuốc. Có 10 cuộc thì 6 cuộc báo bệnh không tiến triển, 4 cuộc còn lại bệnh nặng hơn ban đầu. Rồi lại nói là do cơ địa mỗi người hấp thụ thuốc khác nhau nên anh/chị vui lòng dùng thêm một liệu trình nữa...

Nhưng đỉnh điểm là 2 tuần trước, có một cuộc gọi đến cho mình (vì bên mình mỗi người được cấp 1 điện thoại cục gạch và 1 sim riêng để sale), đầu dây bên kia là một chị đã mua của mình 3 liệu trình cho chồng chữa xơ gan. Chị báo anh ấy từ ngày uống thuốc bên mình đến nay đã hơn 6 tháng, bệnh anh nặng lên rất nhiều và anh đã mất.

Chị ấy nói chị ấy ở quê, giá thuốc bên mình cao và nhưng chị tin mình nên đã phải bán đến cân thóc cuối cùng để mua thuốc. Chị ấy mắng mình rất lâu đòi trả tiền, đòi kiện ra tòa. Nhưng như mọi khi và như lời dặn của Leader là với những trường hợp này thì tắt máy, chặn số. Những lần tắt máy chặn số như thế không biết mình đã làm bao nhiêu lần. Nhưng ngày hôm đó mình đã khóc và dằn vặt rất nhiều. Và mình xin nghỉ việc!

Rồi các bạn sẽ phải lớn, rồi sẽ có gia đình, rồi sẽ có con các bạn ạ. Mình không tin vào các quy luật cao siêu nào cả, nhưng mình tin "luật nhân quả". Từ tuần sau mình lại đi xin việc, nhưng từ hôm nay trở đi mình thanh thản hơn rất nhiều. Mình sẽ cố gắng là một bà mẹ tốt!

Các bạn đang làm đông y như mình hãy bình tĩnh và ngồi tĩnh tâm lại một chút. Đừng để tiền làm mờ mắt!

Lật tẩy ‘chiêu’ thổi phồng chất lượng sản phẩm Khang Cốt Đơn, gài bẫy người dùng?(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng bức xúc cho biết, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang