Đã áp dụng HACCP có nhất thiết phải chuyển đổi sang ISO 22000?

author 10:50 03/10/2012

(VietQ.vn) - Hiện nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 đối với các doanh nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên doanh nghiệp đã áp dụng HACCP sẽ phải chuyển đổi sang ISO 22000 trong các trường hợp: Qui định của cơ quan có thẩm quyền bắt buộc; do thị trường, khách hàng yêu cầu hoặc khi doanh nghiệp muốn có chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm mà tổ chức chứng nhận chỉ cấp theo ISO 22000.

Sự kiện: Tư vấn ISO - Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015

 

Hỏi: Doanh nghiệp tôi đã áp dụng HACCP vậy có nhất thiết phải chuyển đổi sang ISO 22000:2005 không? Nếu chuyển đổi thì có khó khăn gì không và cần phải thực hiện những công việc gì?

Trần Quang Hải ([email protected])

Đáp: ISO 22000:2005 là tiêu chuẩn tự nguyện, doanh nghiệp chỉ buộc phải áp dụng khi có qui định của cơ quan có thẩm quyền hoặc của bên mua hàng.

Ở một số quốc gia như Mỹ, Canada đã có qui định bắt buộc áp dụng HACCP đối với sản phẩm thịt, thủy sản, nước hoa quả… Nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 đối với các doanh nghiệp thực phẩm.

Tuy nhiên trong tương lai có thể doanh nghiệp đã áp dụng HACCP sẽ phải chuyển đổi sang ISO 22000 trong các trường hợp: Qui định của cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải áp dụng ISO 22000; do thị trường, khách hàng yêu cầu hoặc khi DN muốn có chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm mà tổ chức chứng nhận chỉ cấp theo ISO 22000.

Cho dù không có quy định bắt buộc áp dụng, thì xu hướng lựa chọn ISO 22000 đối với doanh nghiệp thực phẩm vẫn dần trở thành phổ biến. Bởi vì bản thân tiêu chuẩn ISO 22000 đã bao gồm các yêu cầu của HACCP, ngoài ra ISO 22000 còn bao gồm các yêu cầu về một Hệ thống quản lý, vì vậy việc lựa chọn ISO 22000 có thể sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên n an toàn vệ sinh thức phẩm.

Khi muốn chuyển đổi từ HACCP sang ISO 22000 doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:

Tổ chức đào tạo để các cán bộ có liên quan hiểu rõ các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 22000:2005;

Xác định các quá trình có liên quan tới Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (dựa trên hoạt động thực tế của doanh nghiệp cộng với các yêu cầu của ISO 22000);

Thiết lập bổ sung và/hoặc cải tiến các quá trình hiện tại theo các yêu cầu của ISO 22000;

Xây dựng một hệ thống văn bản, bao gồm: chính sách an toàn thực phẩm, các thủ tục, hướng dẫn, biểu mẫu, qui định… theo các qui định của tiêu chuẩn và yêu cầu của kiểm soát an toàn thực phẩm;

Triển khai thực hiện theo các qui định của hệ thống và tiến hành kiểm tra, giám sát; Đào tạo và tổ chức đánh giá nội bộ hệ thống (tương tự ISO 9001:2000); Thường xuyên cải tiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống.

Một doanh nghiệp đã áp dụng HACCP và ISO 9001:2000 thì việc chuyển đổi sang ISO 22000 là khá thuận lợi vì đã có kinh nghiệm về hệ thống quản lý và kiểm soát mối nguy. Đối với những doanh nghiệp chưa có HACCP mà bắt tay vào xây dựng ISO 22000:2005 ngay từ đầu sẽ gặp phải những khó khăn như khó khăn về đáp ứng yêu cầu của các chương trình tiên quyết (PRPs) và thực hiện các nguyên tắc của HACCP.

Ví dụ như: Nhà xưởng, máy móc thiết bị … có thể chưa đáp ứng được các quy phạm về thực hành sản xuất tốt (GMP) và thực hành vệ sinh tốt (SSOP) … vì vậy sẽ cần phải có sự thay đổi hoặc đầu tư đáng kể. Khó khăn trong việc xác định chính xác các điểm kiểm soát tới hạn (CCP); Khó khăn trong việc thiết lập một hệ thống giám sát và kiểm soát CCP; Khó khăn trong việc kiểm soát mối nguy ngay từ quá trình nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế v.v… của các đơn vị cung ứng nguyên liệu.

Chuyên mục có sự phối hợp của Trung tâm Năng suất Việt Nam – VPC
Số 8, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

(Mọi thông tin về lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: [email protected])

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang