Đắk Lắk: Nâng cao năng suất nấm nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ

authorHòa Lê 06:17 27/09/2018

(VietQ.vn) - Việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất đã giúp các hộ nông dân trồng nấm tại Đắk Lắk cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Với hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định, những năm qua, nghề trồng nấm đã phát triển mạnh tại các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana, Cư Kuin, Cư M’gar... Nhiều nông dân đã có thể làm chủ công nghệ khi họ có thể cho nấm ra đúng ngày mình cần để dễ tiêu thụ, bán được giá cao.

Được biết, trước đây việc sản xuất nấm chủ yếu theo phương pháp truyền thống là treo đứng và rạch nhiều vết trên bịch nấm nên mức độ rủi ro cao do côn trùng phá hoại, tốn nhiều công lao động, chịu tác động lớn của thời tiết, sản phẩm cho thu hoạch không theo dự kiến và chất lượng không cao, tốn diện tích…

Đắk Lắk: Nâng cao năng suất nấm nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ

 Mô hình trồng nấm của ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana)

Không những thế, việc sản xuất nấm mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa tạo ra lượng nấm thương phẩm ổn định và đảm bảo an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hầu hết các hộ dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang trồng theo kiểu treo ngang bịch nấm và cho nấm ra cổ, cách làm này không chỉ khắc phục được những nhược điểm trên mà còn cho năng suất cũng cao hơn.

Đơn cử như hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp), chỉ với hơn 400 m2 đất xung quanh nhà, ông đã tận dụng để xây dựng nhà trại sản xuất nấm mèo, nấm sò và nấm linh chi. Với việc chủ động cho nấm ra đúng ngày để thu hoạch vào các ngày 1 và 15 (âm lịch) nên sản lượng nấm của gia đình đều dễ dàng tiêu thụ với mức giá cao, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm ông Chỉnh thu về gần 200 triệu đồng.

Với những kết quả đó, hiện nay mô hình trồng nấm đã phát triển mạnh tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn các huyện như Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Súp, TP. Buôn Ma Thuột… Hầu hết người trồng nấm đều ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất để bảo đảm chất lượng nấm sạch, số lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chị H’Ghét Ênuôl (buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp) cũng đã có thu nhập ổn định từ nghề trồng nấm. Trước đây vì không có đất sản xuất, vợ chồng chị H’Ghét phải làm thuê kiếm sống nên luôn rơi vào cảnh “bữa đói bữa no”. Thấy nghề trồng nấm cần ít vốn nhưng hiệu quả cao, tháng 3-2016, chị H’Ghét tìm đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana xin học. Sau khi học xong, chị được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ vật liệu làm nhà trại và nguyên liệu làm nấm sò trên diện tích rộng 42 m2. Nhờ  nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc nên nấm phát triển tốt, chỉ hơn 1 tháng đã cho thu hoạch.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang