Nghệ An: Ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất chất lượng

authorHòa Lê 06:40 24/09/2018

(VietQ.vn) - Việc ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học công nghệ trong các quy trình sản xuất đã giúp tỉnh Nghệ An nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sau 5 năm chung tay gắng sức, ngành NN-PTNT tỉnh Nghệ An nhìn chung đạt được nhiều kết quả khả quan, các chỉ tiêu cơ bản của ngành đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 4,5%, năm 2018 ước đạt 4,8%; cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ; tại khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,42 lần so với năm 2013, ngược lại tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 7,54%, giảm 12,24% so với năm 2013...

Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành đã thực hiện chuyển đổi được 8.949 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, cơ cấu thay đổi theo hướng giảm diện tích lúa lai, tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (riêng năm 2018 toàn tỉnh có 59.581ha lúa chất lượng cao, tăng 36.581ha so với năm 2013).

Nghệ An: Ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất chất lượng

 Cánh đồng trồng giống lúa thuần Vật tư - NA6 tại xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu - Nghệ An).

Các địa phương từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp là trung tâm, áp dụng các sản phẩm có lợi thế của tỉnh (lúa, ngô, lạc, chè, mía... ). Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-CN, các quy trình sản xuất tiên tiến, đưa cơ giới hoá và các bộ giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (năm 2017 diện tích lúa lai còn 22%). Đến nay đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 9.500ha.

Về chăn nuôi, đã tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trên cơ sở định hướng cơ cấu lại và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong đó tập trung chuyển dịch vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn trâu bò ở khu vực miền Tây, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Đẩy mạnh các quy trình chăn nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nâng cao chất lượng giống.

Là doanh nghiệp mạnh dạn trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giúp ngành nông nghiệp vùng Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng “cất cánh” trong nhiều năm qua, ông Trương Văn Hiền - Tổng giám đốc Tổng công ty VTNN Nghệ An chia sẻ, để nâng cao giá trị nông sản, thì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là đòi hỏi bức thiết và bắt buộc đối với nền nông nghiệp mà bất kỳ địa phương nào cũng phải quan tâm.

“Thực tế cho thấy, hiện nay việc canh tác và tổ chức sản xuất vẫn manh mún và lạc hậu, yêu cầu bức thiết trước mắt là cơ cấu lại tổ chức sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, chúng tôi tham gia liên kết với các viện khoa học nông nghiệp trên cả nước, cùng liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh Nghệ An như Công ty Nông công nghiệp 32 và Công ty Nông nghiệp Xuân Thành nhằm cơ cấu lại tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình để áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nâng cao hiệu quả cũng như tính bền vững của cây trồng. Đặc biệt là với cây cam, cụ thể là thương hiệu cam Vinh”, ông Hiền nói.

Nghệ An: Ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất chất lượng

 Tái cơ cấu ngành sau 5 năm, nông nghiệp Nghệ An đạt được nhiều bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là sản xuất manh mún, thiếu tập trung, đầu tư sản xuất chưa đồng bộ dẫn tới cơ giới hóa và đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào rất khó khăn. Tại Nghệ An, đơn cử như cây cam, trước đây cho thu nhập cao, nhưng hiện nay, tỷ lệ thành công với trồng cam rất thấp và cây thoái hóa sớm. Chúng ta cần đầu tư tiến bộ khoa học để cải tạo và phát triển thương hiệu cam Vinh.

Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, Tổng công ty VTNN Nghệ An không những nghiên cứu, chọn tạo ra giống cây trồng mới, phân bón mới, mà còn có đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên làm nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật xuống tận các hợp tác xã nông nghiệp thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn về cây lúa, ngô, lạc…

Những giống lúa, giống ngô, giống lạc mới… do chính Tổng công ty nghiên cứu chọn tạo ra đều được thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều hợp tác xã trong và ngoài tỉnh với diện tích lên đến 2.000 - 3.000 ha mỗi vụ. Tất cả các mô hình cánh đồng mẫu lớn đều được Tổng công ty cho ứng trước giống, phân bón, không chịu lãi suất và cuối vụ sản phẩm làm ra được Tổng công ty thu mua hết với giá cao hơn giá thị trường 10%. Cách làm này của Tổng công ty VTNN Nghệ An được bà con nông dân ủng hộ và sẵn sàng liên kết sản xuất cùng có lợi.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã hợp tác với Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chọn tạo được 2 loại giống lúa thuần mới là Vật tư NA6 và Vật tư NA9, bổ sung vào bộ giống ngắn ngày chất lượng cao của đơn vị. Thị trường kinh doanh giống không chỉ phục vụ nội tỉnh mà còn được mở rộng trên địa bàn các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo và chiến lược bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh bạn.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang