Đắk Lắk tiêu hủy hơn 2.300 đồ chơi trẻ em và bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Phát hiện và tiêu hủy gần 2.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại Hưng Yên
Tiêu chuẩn áp dụng phương pháp xử lý vi nhựa trong nước
Hải Dương buộc tiêu hủy trên 3.700 hộp bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tiêu hủy 206 loại mỹ phẩm do Công ty Belux Việt Nam sản xuất
Hà Giang: Tiêu hủy hơn 400 sản phẩm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu
Bánh trung thu và đồ chơi của trẻ em không rõ nguồn gốc bị buộc tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Đắk Lắk
Trước đó, vào lúc 09 giờ 35 phút ngày 19 tháng 8 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh tại đường Giải Phóng, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang bày bán thực phẩm bao gói sẵn gồm 42 cái bánh trung thu nướng, loại 0,5kg/cái, và 50 kg táo đỏ sấy khô, loại 1kg/gói, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hạn sử dụng. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này.
Vụ việc thứ hai vào lúc 08 giờ 40 phút ngày 21 tháng 8 năm 2024, khi Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại thôn 4, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang bày bán 145 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống súng loại dài, 1.957 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống súng loại ngắn, 130 cái đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống kiếm, và 128 bộ đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình dạng giống cung (nỏ). Tất cả các sản phẩm này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cả hai vụ việc nêu trên đều được xác định là hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh. Tổng giá trị tang vật vi phạm là 33,6 triệu đồng, số hàng hóa đã bị buộc tiêu hủy hoàn toàn. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh vi phạm đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền là 24 triệu đồng.
Cũng liên quan đến việc tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, vào ngày 23 tháng 8 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã giám sát tiêu hủy gần 300 quyển sách tiếng Anh các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, với tổng trị giá tang vật là 15,8 triệu đồng. Số sách vi phạm này được lực lượng chức năng phát hiện tại hộ kinh doanh sách và thiết bị trường học tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài việc thu giữ, tiêu hủy số sản phẩm vi phạm, cơ sở kinh doanh này còn bị xử phạt hành chính với số tiền là 17,25 triệu đồng.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ giải thích nguồn gốc “xuất xứ hàng hóa” là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Tại khoản 1 Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương 2017 và khoản 2, 7 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa quy định về xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh hàng hóa không đúng xuất xứ. Theo đó, tại Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.
Duy Trinh