Đảm bảo an toàn chất lượng bánh trung thu trước khi ra thị trường

author 13:50 17/08/2023

(VietQ.vn) - Các công ty kinh doanh phải đảm bảo rằng bánh trung thu nhập khẩu, sản xuất và bán ra an toàn cho người tiêu dùng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giống như nhiều loại bánh ngọt khác, quá trình sản xuất, xử lý và bảo quản bánh trung thu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm do sự đa dạng của các nguyên liệu được sử dụng trong bánh trung thu truyền thống. Nguy cơ nấm mốc, việc sử dung chất tạo màu không được phép sử dụng, chất bảo quản hóa học và ô nhiễm vi sinh đều có thể xảy ra nếu quá trình sản xuất hoặc bảo quản không đúng cách.

Để có những chiếc bánh trung thu an toàn tới người tiêu dùng, các công ty kinh doanh phải đảm bảo rằng, bánh trung thu mà họ nhập khẩu, sản xuất và bán là an toàn cho người tiêu dùng, cần phải áp dụng quy trình sản xuất và bảo quản đảm bảo an toàn, nhập thực phẩm cũng như các nguyên liệu đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm.

Các công ty sản xuất cần đảm bảo chất lượng bánh trung thu trước khi ra thị trường tiêu thụ 

Lưu ý thêm một số điều sau đây để đảm bảo bánh trung thu được an toàn tới tay người tiêu dùng:

1. Nhập bánh trung thu: Nguồn nhập bánh trung thu từ những người bán, cơ sở có uy tín, tuân thủ các quy trình xử lý thực phẩm tốt.

2. Chế biến bánh trung thu: Phải mua nguyên liệu từ những nguồn đảm bảo, có uy tín, tuân thủ các bước thực hành vệ sinh tốt để tránh lây nhiễm chéo và rửa tay trước khi xử lý các thành phần bánh. Ngoài ra, đảm báo các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm được giữ sạch sẽ và vệ sinh (ví dụ như: mặt bàn, thiết bị và đồ sành sứ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm). Bảo quản bột bánh ở nơi khô ráo để tránh nấm mốc phát triển.

3. Bảo quản và tiêu thụ bánh trung thu: Cần chú ý đến hướng dẫn bảo quản và sử dụng bánh trước khi hết hạn sử dụng ghi trên bao bì; nếu bánh trung thu truyền thống không đựng trong bao bì kín thì nên bảo quản trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát; bánh trung thu nhân kem nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh và ăn ngay sau khi mở hộp; không đông lạnh lại bánh trung thu sau khi đã rã đông; tuyệt đối không được ăn bánh trung thu dã đổi màu hoặc có mùi khó chịu.

Đặc biệt, theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Theo đó, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968 (CODEX STAN 212); bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152); dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Ngoài ra, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Bộ tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, không chỉ bánh Trung thu, mà các loại bánh như: bánh nếp, bánh pía, bánh bột ngũ cốc… cũng có thể áp dụng các TCVN này.

Với bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sẽ tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố. Sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới dành cho bánh nướng và bánh dẻo cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất bánh trung thu dễ dàng hơn, và để đạt đến mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang