Phạt bắt học sinh ăn ớt: Trời ơi sao khổ thế!

author 06:44 01/03/2014

(VietQ.vn) - Không tin chuyện hàng chục học sinh lớp 4 tại Bình Phước bị cô giáo phạt ăn ớt cay bỏng mồm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, thốt lên: “Trời ơi…sao khổ thế!”.

Vị Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, suốt 25 năm trong nghề giáo của mình chưa từng nghe hay chứng kiến hình phạt nào quái chiêu như vậy!
Như tin đã đưa, tại trường Tiểu học Hoàng Diệu ( Huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) ba cô giáo đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm Lý giáo dục Hà Nội

Nhiều em bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục để “giải cay” đã về thuật lại cho phụ huynh. Sau đó nhiều phụ huynh làm đơn kiến nghị nhà trường, cơ quan chức năng và báo chí bày tỏ bức xúc, đồng thời yêu cầu xử lý các giáo viên về cách giáo dục học sinh chưa đúng phương pháp, phản giáo dục.

Trước đó, dư luận cũng chưa nguôi ngoai về thông tin thấy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ tại Hà Tĩnh và một trường tại Quảng Bình bắt gần 300 học sinh bơi trong giá rét…

Không kém phần bức xúc, TS Nguyễn Tùng Lâm đặt câu hỏi: “Sinh ra nhà trường là để giáo dục chứ đâu phải để đàn áp học sinh. Nhà trường chứ đâu phải trại lính?”
Theo TS Lâm, nguyên tắc kỷ luật trong môi trường sư phạm là để học sinh nhận ra khuyết điểm và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nếu nặng phải đưa ra hội đồng kỷ luật.

Về việc giám sát hình thức xử phạt , TS Lâm cho biết: Mỗi trường đều lập hội đồng giám sát chép giữa các giáo viên. Ngược lại phụ huynh và học sinh  đều có quyền khiếu nại, tố cáo nếu không đồng tình, tuy nhiên những quyền này lâu nay vẫn thường bị coi nhẹ.

“Ngày xưa xã hội sử dụng hình thức giáo dục quyền uy nên mới có câu “Yêu cho roi cho vọt”, vì thế mà hình ảnh những  thầy đồ cầm roi dạy học trò được coi là chuyện bình thường . Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, nền giáo dục hiện đại đã nghiêm cấm không được sử dụng bất cứ hình phạt nào xâm hại thân thể, tinh thần của học sinh. Song đáng tiếc những vụ vi phạm đạo đức, quy chế nghiệp vụ vẫn cứ diễn ra chứng tỏ những người thầy người cô thiếu ý thức, thái độ tôn trọng pháp luật”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Từ những vụ bạo hành học sinh cho thấy, nguyên nhân chính là những người thầy có kỹ năng ứng xử kém, không kìm chế được cảm xúc. TS Nguyễn Tùng Lâm cũng thừa nhận, nghề giáo là nghề rất nhiều áp lực, có thể chia sẻ và thông cảm song không được lấy lí do đó để biện hộ cho những hành vi bạo lực học sinh.

“ Bản tính con người cũng có lúc vui lúc giận, nhưng một khi đã hành nghề thì phải tuân thủ đạo đức, nghiệp vụ chuyện môn . Nếu anh cảm thấy không làm được thì viết đơn xin nghỉ, chứ không phải vì như thế mà có quyền xâm hại tới học trò!”, nhà tâm lý giáo dục phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, thật đáng buồn khi dư luận liên tiếp phản ánh  nhưng hết lần này tới lần khác vụ việc giáo viên vi phạm quy chế ngành giáo dục, nguyên tắc đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật bảo vệ trẻ em ,  vẫn cứ diễn ra.

“Cứ như thế này thì nguy hiểm quá, phải chăng sự lên án của dư luận vẫn không đến được hết đội ngũ giáo viên?”

Từ đây, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên mở lớp tập huấn cho đội ngũ  giáo viên toàn quốc học lại những quy chế đạo đức. Sau đó, mỗi giáo viên sẽ phải ký cam kết không vi phạm, nếu không sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm, thậm chí phải đuổi ra khỏi ngành!”


 
Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang