Dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu, chống thực phẩm kém chất lượng

author 06:25 13/06/2023

(VietQ.vn) - Dán tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thực phẩm kém chất lượng.

Trong sự phát triển bùng nổ của thị trường hàng hóa hiện nay thì vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Bởi đây là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và việc truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một yêu cầu mà rất nhiều doanh nghiệp, HTX và các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. Để từ đó họ có thể cung cấp đến khách hàng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao tránh được hiện tượng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng…

Tem truy xuất nguồn gốc là loại tem sử dụng công nghệ mã số, mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét Barcode, QR code trên smartphone để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, các thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất niêm yết.

Dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu, chống thực phẩm kém chất lượng. Ảnh minh họa 

Dán tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thực phẩm kém chất lượng không đảm bảo an toàn VSTP. Thông qua đó, các sản phẩm sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm. Khi đó, việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại.

Nhận thức được tầm quan trọng của dán tem truy xuất nguồn gốc, tỉnh Bình Dương là một trong các tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc từ năm 2019. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" cũng được UBND tỉnh Bình Dương quan tâm, nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển song song cùng với các ngành nghề khác. Trong đó, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn các hộ dân ghi chép nhật ký sản xuất trong suốt quá trình canh tác; hỗ trợ in tem mã code QR các sản phẩm cho 20 hộ đạt chứng nhận VietGAP trồng trọt với số lượng 5.000 tem/ hộ/sản phẩm. Việc sản phẩm trái cây được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ khẳng định được thương hiệu cũng như nâng tầm giá trị cho trái cây đặc sản của Bình Dương.

Xác định việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã hóa thông tin sản phẩm, phổ biến là ứng dụng QR code không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ nông sản, mở hướng đưa nông sản xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất áp dụng, sử dụng hệ thống QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản, từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm và một số mô hình đã phát huy hiệu quả bước đầu khá tích cực.

Đơn cử, từ chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, đến nay, huyện Lập Thạch đã quy hoạch 3 vùng trồng được cấp mã QR code với diện tích 70 ha; 50 ha thanh long ruột đỏ được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu độc quyền, mã code vùng trồng và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh; được xuất khẩu và giới thiệu sản phẩm ở các thị trường: Úc, Nga, Malaysia…

Rõ ràng, hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông lâm sản tại các doanh nghiệp, HTX thời gian qua bước đầu đã khẳng định việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, HTX trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Cũng chính từ việc dán tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, đã trở thành kênh cung cấp thông tin giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất nông sản, giúp người tiêu dùng nâng cao hơn nữa ý thức sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang