Đang có quá nhiều luật cùng quản một sản phẩm hàng hóa

author 07:18 07/07/2017

(VietQ.vn) - Trên tinh thần "Đổi mới phục vụ kiến tạo" của Chính phủ, hiện nay các bộ quản lý chuyên ngành đã có sự thay đổi nào về kiểm tra chuyên ngành để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp?

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành trong thời gian qua đã gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp. Vậy đã có sự thay đổi nào kể từ khi thực hiện tinh thần "Đổi mới phục vụ kiến tạo" của Chính phủ nhằm tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông qua đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành" ngày 30/6

Doanh nghiệp “khó thở” vì nhiều “tròng”

Đánh giá về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của các Bộ quản lý chuyên ngành trong thời gian vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thực tế hiện nay cho thấy danh mục quá rộng, nhiều sản phẩm, hàng hóa quy định trong danh mục nhưng không QCVN hoặc không có biện pháp quản lý nên dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan khi thực hiện.

“Cùng một sản phẩm, hàng hóa nhưng phải chịu nhiều cơ chế quản lý khác nhau của các luật khác nhau điều này đã gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp nhập khẩu khi phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau để được nhập khẩu”, ông Linh nói.

Hiện nay, hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành được thực hiện trên cơ sở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thương mại, Luật Hóa chất…

Do đó, dẫn đến một sản phẩm, hàng hóa có thể thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành của tất cả các luật này, ví dụ như mặt hàng sữa chua, pho mát vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ NNPTNT, vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công Thương. Hay hàng hóa vừa phải kiểm tra chất lượng vừa xin giấy phép nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế như: Thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc. Hàng hóa vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Y tế vừa phải khai báo hóa chất như phụ gia thực phẩm…

Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, việc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành vẫn rất rộng bao gồm cả những hàng hóa không cần thiết và không nên là đối tượng thuộc diện kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Như vậy sẽ làm tăng các chi phí để thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa không cần thiết kiểm tra chuyên ngành và ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

“Như vậy, rõ ràng là các bộ ngành phải thường xuyên rà soát tổng thể các quy định trong lĩnh vực quản lý của Bộ ngành để bãi bỏ sửa đổi những nội dung quy định không đáp ứng yêu cầu nói trên để giảm thiểu sự can thiệp gây phiền hà cho hoạt động kinh doanh”, ông Hiếu nói.

 
Một trong những thay đổi rất đáng được ghi nhận trong thực hiện Nghị quyết 19 sau 3 năm tổ chức triển khai đó là sự thay đổi khá rõ nét về nhận thức, quyết tâm và sự vào cuộc của các Bộ ngành. Trong đó, những nỗ lực của Bộ KHCN theo tôi rất đáng ghi nhận cả về mặt thay đổi chính sách cũng như kết quả đạt được. Bộ KH&CN đã hoàn thành sửa đổi một số thông tư có liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành như: Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt là sửa đổi Nghị định về nhãn hàng hóa qua đó các văn bản quy phạm pháp luật này đã thuận lợi hơn rất nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
 

Gỡ “nút thắt” kiểm tra chuyên ngành

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, để triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục TCĐLCL đã tích cực tham mưu cho Bộ KH&CN, nghiên cứu và đề xuất một loạt các cơ chế chính sách để đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần "Đổi mới phục vụ kiến tạo", tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của DN đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người tiêu dùng.

“Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN đã nghiên cứu, chỉnh sửa lại theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sang hậu kiểm như thép, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm; chỉ có xăng dầu, LPG là áp dụng biện pháp tiền kiểm”, ông Linh cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tích cực rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành và chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.

Theo ông Linh, việc chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định việc công bố hợp quy, việc kiểm tra nhà nước hàng hóa nhập khẩu dựa trên một trong các biện pháp sau tùy thuộc vào mức độ, khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

“Chúng tôi khuyến khích tổ chức ĐGSPH thực hiện đánh giá tại nguồn để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu vì nếu được đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài, giấy chứng nhận có giá trị 03 năm, khi đó hàng nhập khẩu vào Việt Nam không phải thực hiện lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp”, ông Linh cho hay.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Hội nghị Tổng kết 1 năm triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) vừa được Tổng cục Hải Quan tổ chức.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang