Dấu ấn 'bầu' Kiên phai nhạt dần tại các ngân hàng 'con cưng' ACB, VietBank

author 16:11 14/01/2019

(VietQ.vn) - Đã từng là một ông trùm trong giới ngân hàng, cái tên "bầu Kiên" dường như đang trở nên phai nhạt dần dấu ấn tại những cái tên như ACB, VietBank - những ngân hàng mà ông từng là thành viên sáng lập và gắn bó nhiều năm.

Ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) (Ảnh: Zing).

Ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) đã từng được mệnh danh là "ông trùm" ngân hàng, người có bóng dáng phía sau tại nhiều ngân hàng như ACB, Kienlongbank, VietBank, Eximbank, Ngân hàng Đại Á,...

Sau "đại nạn" năm 2014, ông đã bị tuyên án 30 năm tù giam với 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái trong năm 2014. Mặc dù dính vào vòng lao lí nhưng sự hiện diện của ông và các cá nhân, tổ chức có liên quan vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng mà đặc biệt là tại ACB và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank).

Nhóm bầu Kiên muốn "rút chân" khỏi VietBank

Là một trong những cổ đông sáng lập của VietBank, tính đến cuối năm 2017, bầu Kiên cùng các cổ đông cá nhân có liên quan (chủ yếu là người thân trong gia đình của ông) vẫn là nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm bầu Kiên đang có ý định lui dần ra khỏi cơ cấu sở hữu của ngân hàng này, thể hiện qua nhiều lần đăng kí thoái vốn tại VietBank từ cuối năm 2017 nhưng bất thành.

Tính đến ngày 7/1/2019, bầu Kiên đã bán xong toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank, tương ứng 2,035% vốn điều lệ của ngân hàng. Cũng trong khoảng thời gian bầu Kiên thoái vốn, ông Đặng Công Minh (bố vợ ông Kiên) và bà Nguyễn Thị Kim Thanh (mẹ vợ ông Kiên) cũng đã bán ra tổng cộng hơn 6,4 triệu cổ phần, tương đương 2,2113% vốn điều lệ.

Chi tiết sở hữu cổ phần tại VietBank của gia đình bầu Kiên (Nguồn: DB tổng hợp).

Trước đó trong tháng 7, các thành viên khác trong gia đình bầu Kiên là bà Nguyễn Thúy Lan (em ruột của bầu Kiên), ông Đào Văn Kiên (chồng của bà Nguyễn Thúy Lan) và bà Nguyễn Thúy Hương - chị gái bầu Kiên đã thoái lần lượt 2,05%, 1,93% và 2,02% vốn tại VietBank.

Mặc dù vậy, những người thân còn lại của bầu Kiên vẫn đang sở hữu gần 16 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương 4,84% vốn điều lệ ngân hàng. Trong đó, bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên) còn sở hữu gần 15 triệu cổ phần, tương đương 4,6% vốn điều lệ của VietBank.

Bà Lan cũng đã từng đăng kí bán hết số cổ phần này nhưng không thành công.

Được biết, ngày 10/12/2018, bà Đặng Ngọc Lan đã có đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ngân hàng. Việc từ chức của bà Lan sẽ được đưa ra xin ý kiến các cổ đông vào đại hội cổ đông bất thường của VietBank vào ngày 18/1 tới.

Động thái thoái vốn và rút khỏi ban quản trị ngân hàng cho thấy nhóm cổ đông bầu Kiên đang thực sự muốn "rút chân" ra khỏi ngân hàng này. Dự kiến cơ cấu sở hữu của VietBank sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.

Gió đổi chiều trong cơ cấu sở hữu VietBank?

Trong khi nhóm cổ đông của bầu Kiên thoái vốn, nhóm cổ đông lớn còn lại liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm vẫn tiếp tục giữ nguyên sở hữu trước đó và có "nghi vấn" thành viên liên quan mua thêm cổ phần tại VietBank.

Nhóm Tập đoàn Hoa Lâm được đại diện bởi ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VietBank, ông Dương Nhất Nguyên (con trai ông Hoà) hiện cũng là Phó Chủ tịch HĐQT.

Theo thống kê, trước đợt tăng vốn vào cuối tháng 9, gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu VietBank, tương đương 13,54% vốn điều lệ.

Cá nhân Nguyễn Phan Hoài Hiệp (25 tuổi), người vừa chi 66 tỉ đồng mua cổ phần phát hành thêm của Vietbank, được nghi vấn là người có liên quan đến nhóm Hoa Lâm.

Chi tiết sở hữu cổ phiếu nhóm TĐ Hoa Lâm trước khi VietBank phát hành thêm cổ phiếu (TV Tổng hợp).

Dấu ấn tại ACB phai nhạt dần...

Ngoài VietBank, có thể nói dấu ấn của bầu Kiên tại ACB là đậm nét nhất trong số các ngân hàng có liên quan. Ông Kiên là một trong những thành viên sáng lập của ngân hàng, nắm giữ vị trí quan trọng trong HĐQT của ACB từ những năm 1994.

Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng Nguyễn Đức Kiên và ba em của ông nắm giữ 9,71% cổ phần của ngân hàng. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan nắm giữ 4,11%.

'Kế hoạch startup' không phải là quyển sách lý thuyết dày cộp(VietQ.vn) - Theo Martin Zwilling, nhà sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn khởi nghiệp Startup Professional, kế hoạch khởi nghiệp không phải là 1 quyển sách lý thuyết dày cộp.

Theo cho biết trong đại hội cổ đông vào tháng 4/2018, nhóm cổ đông liên quan đến “bầu” Kiên còn sở hữu khoảng 10,45% vốn điều lệ của ngân hàng. Trước đại hội, nhóm bầu Kiên đã đề cử ông Nguyễn Duy Hưng (từng là Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc VietBank) vào thành viên HĐQT của ngân hàng nhưng đã bị bác bỏ.

Luật sư đại diện ACB có giải thích rằng nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên vốn đang có nhiều cổ đông mâu thuẫn pháp lí với ACB về nợ xấu và nhóm 6 Công ty trước đây. Do đó, ACB có xin ý kiến NHNN hướng dẫn về ứng viên ông Nguyễn Duy Hưng tuy nhiên không được chấp nhận.

Bà Lan đã phản bác lại câu trả lời của phía ACB về vấn đề trên. Bà nói: “Quyền lợi ACB, gia đình tôi và cổ đông khác trong nhóm 6 công ty không hề mâu thuẫn. ACB thịnh vượng là sự thịnh vượng của gia đình chúng tôi”.

Trả lời thắc mắc về vấn đề này của nhóm cổ đông, Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng chỉ đưa ra câu trả lời rằng nếu cổ đông muốn biết thì có thể hỏi trực tiếp lên NHNN. Tính đến cuối tháng 6/2018, gia đình ông Trần Hùng Huy nắm giữ 8,43% vốn điều lệ ngân hàng.

Như vậy, mặc dù sở hữu cổ phần lớn nhưng dường như nhóm cổ đông của bầu Kiên đang bị đưa ra khỏi việc quản trị, điều hành của ngân hàng.

Theo Vietnambiz

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang