Dấu ấn nổi bật trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng giai đoạn 2015-2020

author 07:09 25/07/2020

(VietQ.vn) - Trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tạo dấu ấn với những kết quả nổi bật trong nhiều khía cạnh hoạt động.

Sự kiện: Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

 Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL báo cáo công tác của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, trong giai đoạn 2015-2020, Tổng cục đã chủ trì tham mưu xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành 10 Nghị định của Chính phủ, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 33 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ kiến nghị cơ quan liên quan xây dựng 02 luật, sửa 03 luật thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng liên quan đến điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, Tổng cục còn tham mưu xây dựng và đang trình các cấp có thẩm quyền 02 Quyết định và 14 Thông tư.

 
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài Bộ; sự đồng lòng của Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong Tổng cục; giai đoạn 2015-2020, Đảng ủy cơ quan Tổng cục đã chỉ đạo tích cực, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ; đặc biệt, Tổng cục đã chủ động tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quản lý nhà nước trong lĩnh vực TCĐLCL nói riêng và lĩnh vực KHCN nói chung, bảo đảm chủ trương chung của Chính phủ là tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL
 

Việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giúp hệ thống văn bản về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cơ bản đã hoàn chỉnh, đồng bộ; kịp thời cắt giảm đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý cũng như triển khai thực hiện.

Đồng thời, kết nối 100% thủ tục hành chính (TTHC) về giải quyết TTHC xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Tổng cục với Cổng Thông tin một cửa quốc gia; xây dựng, vận hành và hướng tới việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính nhà nước.

Công tác quản lý chất lượng được quan tâm chỉ đạo theo các định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn trong từng thời kỳ, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp và hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước.

Năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiếp tục được đầu tư tăng cường; mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngày càng phát triển, hướng tới đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, quốc tế, giúp cho việc xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo thuận lợi hóa hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 653 tổ chức thử nghiệm, 148 tổ chức chứng nhận (tổ chức chứng nhận sản phẩm, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý), 73 tổ chức giám định và 112 tổ chức kiểm định.

Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động đáp ứng kịp thời sự chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với trên 12.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), trong đó 56% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và khoảng 800 QCVN do 13 Bộ, ngành quản lý, lĩnh vực xây dựng, ban hành đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống chuẩn Đo lường Quốc gia tiếp tục được xây dựng và củng cố; Hoạt động duy trì, dẫn xuất, sao truyền chuẩn từ chuẩn đo lường quốc gia xuống các chuẩn đo lường cấp thấp hơn của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, của các doanh nghiệp là cơ sở kỹ thuật góp phần bảo đảm tính thống nhất, tin cậy, chính xác của phép đo trong đo lường công nghiệp nhằm kiểm soát các thông số công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu quy định mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu.

Công tác quản lý chất lượng thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng, xử lý vi phạm đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước.

Trong hai ngày 23 - 24/7/2020, Đảng bộ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang được triển khai tích cực góp phần tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình bước đầu đã tạo ra được phong trào Năng suất Chất lượng ở các Bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; Hoạt động truy xuất nguồn gốc bắt đầu được chuẩn hóa, quản lý thống nhất.

Thực hiện tốt vai trò là đại diện của Việt Nam tham gia các Tổ chức Quốc tế và khu vực (APEC/SCSC, ASEAN/ACCSQ, APO, ISO, IEC, OIML, APLMF...), đồng thời tích cực tham gia các hội nghị, cuộc họp ban kỹ thuật và chủ động đề xuất, đóng góp ý kiến đối với tài liệu kỹ thuật, định hướng chính sách của các tổ chức quốc tế này để phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội của nước ta.

Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao năng lực về xây dựng tiêu chuẩn, chứng nhận, thử nghiệm, đo lường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nội dung hợp tác quốc tế ngày càng gắn kết với các yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.

Thực hiện tốt vai trò đầu mối quốc gia về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thực hiện tốt các nghĩa vụ theo cam kết của chương TBT trong khuôn khổ WTO và các Hiệp định thương mại tự do khác, đặc biệt là nghĩa vụ về minh bạch hóa, bên cạnh đó cung cấp, cảnh báo thông tin kịp thời về các biện pháp kỹ thuật của các nước thành viên WTO giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

Xây dựng và không ngừng củng cố công tác thông tin, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất. Hoạt động thông tin tư liệu được đẩy mạnh với hệ thống cơ sở dữ liệu về TCVN và tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các nước phát triển.

Hàng năm, thực hiện tốt hoạt động Giải thưởng Chất lượng quốc gia, giải thưởng cao nhất về chất lượng sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng cho các doanh nghiệp xuất sắc tiêu biểu.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhiệm kỳ 2020 - 2025(VietQ.vn) - Trong hai ngày 23 - 24/7, Đảng bộ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang