Đầu tư công - động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

author 19:11 28/09/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia đánh giá, đầu tư công tiếp tục giữ vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng và tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, các dự án liên kết vùng, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công của các địa phương trong cả nước không đồng đều do mức độ bùng phát của đại dịch Covid-19. Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thực hiện giải ngân 8 tháng đạt 183.320,91 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).

Vốn đầu tư công được ví như mạch máu của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

“2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay”, Bộ trưởng cho biết. 

Phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên nhưng không nên sử dụng biện pháp phong toả một cách bất bình thường như tại nhiều địa phương thời gian qua khiến nhiều hoạt động bị bóp nghẹt lại. Vốn đầu tư công như mạch máu của nền kinh tế, phải được bơm ra để dòng máu đi vào từng dự án, từ đó lan toả đến khu vực doanh nghiệp, thẩm thấu vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.
 
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
 

Các chuyên gia đánh giá, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên nhưng vẫn phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Bởi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư công được đánh giá tiếp tục giữ vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng và tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, các dự án liên kết vùng, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị các địa phương xây dựng giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm, tránh trường hợp phải điều chuyển nguồn vốn.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang