Đẩy mạnh hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh

author 06:38 20/10/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho rằng, bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa mạnh tay để có nguồn lực tương xứng cho giai đoạn phát triển đặc biệt khó khăn của đất nước.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021, tính chung cả chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí... đạt khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Đẩy mạnh hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Trước đó, theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2020 Việt Nam đã sớm đưa ra gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy mô 1,1 triệu tỷ đồng nhưng giá trị thực hiện ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP.

So sánh với quy mô gói hỗ trợ của các quốc gia khác, mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn rất thấp vì theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 197 quốc gia trên thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020 để cứu các nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng trong đại dịch Covid-19.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa mạnh tay để có nguồn lực tương xứng cho giai đoạn phát triển đặc biệt khó khăn của đất nước.

Cụ thể, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ triển khai vừa qua chưa đủ lớn, cần tăng lên trong thời gian tới vì vẫn còn dư địa để phát hành trái phiếu Chính phủ, vay nợ nước ngoài.

Đồng quan điểm, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng chia sẻ, dự báo trong trường hợp GDP năm 2021 tăng thấp (giả định ở mức 3,8%), thu cân đối ngân sách nhà nước sẽ chỉ đạt khoảng 96-98% dự toán đầu năm.

Vị chuyên gia cho rằng, cần chấp nhận bội chi cao hơn và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. “Trong bối cảnh bất thường phải có những giải pháp nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường. Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và cơ cấu lại nợ công”, PGS. TS Vũ Sỹ Cường đề xuất.

Ngoài ra, TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng phân tích: Dư địa chính sách tài khóa những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã được cải thiện rất tốt. Cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, tỷ lệ nợ công/GDP hiện chỉ ở mức hơn 44% GDP trong khi trần nợ công được Quốc hội cho phép là 60% GDP. Để đối phó với dịch bệnh, các nước đều tăng nợ công lên cao và họ tính toán để cứu 1% GDP tăng trưởng thì chính sách tài khóa phải tăng nợ công 2,5 lần và dùng nợ công đó làm gói cứu trợ an sinh xã hội, cứu doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang