Đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút vốn FDI

author 06:25 20/07/2021

(VietQ.vn) - Muốn đẩy mạnh thu hút FDI vào một vùng kinh tế nói chung, các địa phương trong vùng cần thực hiện quá trình liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau, để đưa ra một mô hình xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng.

6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ giảm nhẹ 2,6%, trong khi vốn thực hiện của các dự án cam kết tăng 6,8% so cùng kỳ là minh chứng cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong đó, muốn đẩy mạnh thu hút FDI vào một vùng kinh tế nói chung, các địa phương trong vùng cần phải thực hiện quá trình liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau, để đưa ra mô hình xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng. Mỗi địa phương không nên trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư đến bằng các dự án trùng lắp, mà cùng nhau xây dựng một không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả, hạn chế sự cạnh tranh, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương, của toàn vùng và cả nước.

Đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút vốn FDI. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, đến nay, vẫn chưa nhận thấy có sự chuyển biến rõ nét trong vấn đề liên kết vùng để hợp sức đón dự án FDI quy mô xứng tầm, cho dù đây là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong công tác thu hút FDI giai đoạn mới.

Ví dụ như các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh có dư địa rất tốt về đất đai để xây dựng hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn, tạo thành vùng đủ rộng để thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư. Về hạ tầng những khu vực này đã hoàn thiện đồng bộ từ đường cao tốc, cảng biển đến sân bay để có thể kết nối theo vùng nhưng chưa có sự liên kết giữa bốn địa phương để tận dụng những lợi thế sẵn có.

“Thật sự các tỉnh này có khả năng liên kết để đón nhận những dự án đầu tư xứng tầm hơn nhưng chưa liên kết với nhau để hợp thành sức mạnh. Liệu chúng ta có một chủ trương liên kết như vậy không, hay tiếp tục để các địa phương cạnh tranh nhau, vừa phân tán nguồn lực vừa làm giảm đi khả năng thu hút đầu tư so với tiềm năng của đất nước?”, TS Nguyễn Đình Cung trăn trở.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu. Việc tận dụng cơ hội đến đâu không chỉ nằm ở khả năng hóa giải những thách thức từ bên ngoài mà quan trọng hơn là ở việc xử lý những vấn đề nội tại trong thực thi chính sách. Một trong những vấn đề đó là thu hút đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, vùng kinh tế và quy hoạch quốc gia.

Ngoài ra, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam hiện nay chưa đáng lo ngại về khả năng giảm thu hút vốn FDI như vấn đề của một số quốc gia khác, nhưng phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng vốn nước ngoài. Muốn vậy, cần nâng cao trình độ nhân sự của các ban quản lý khu công nghiệp vì đây là cơ quan tham mưu và tư vấn cho các địa phương ra quyết định lựa chọn dự án đầu tư.

Doanh nghiệp FDI đóng góp hiệu quả cho công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (VietQ.vn) - Khu vực doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) đã tạo ra lượng công việc lớn cho lao động Việt Nam, việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng. Tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước là 26.066 đơn vị, với tổng số người tham gia BHXH là hơn 4,7 triệu người.

Mai Phương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang