Đẩy nhanh quá trình triển khai chính sách ‘trợ lực’ cho doanh nghiệp nâng cao năng suất

author 06:35 03/05/2022

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp nào cũng ngóng chờ các chương trình, chính sách hỗ trợ, song thực tế khi triển khai còn rất chậm chạp, doanh nghiệp khi tiếp cận gặp rất nhiều rào cản.

Nhằm mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% đến 7% trong giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua nhiều nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Cho đến nay, một số chính sách triển khai và thực hiện sớm, bước đầu đạt hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thụ hưởng những chính sách hỗ trợ còn hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Nhiều chính sách hỗ trợ ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Nhiều ý kiến từ phía hiệp hội và doanh nghiệp ở địa phương cũng có chung nhận định, việc triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp chưa thật sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, chưa đáp ứng mong đợi của số đông doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phải gồng mình chống chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khi mọi doanh nghiệp đang phải nỗ lực duy trì hoạt động để thích ứng tình hình mới.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp nào cũng ngóng chờ các chương trình, chính sách hỗ trợ, song thực tế khi triển khai còn rất chậm chạp, doanh nghiệp khi tiếp cận gặp rất nhiều rào cản. Việc phải chạy vòng vèo qua nhiều "cửa", đáp ứng các điều kiện được thụ hưởng và chờ đợi rà soát danh sách để tới lượt mình cũng là cả một hành trình dài, khiến không ít doanh nghiệp nhụt chí. Ví dụ, muốn vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nếu không phải đối tác uy tín, có lịch sử tín dụng sạch, có phương án kinh doanh khả thi, thậm chí không phải là khách hàng thân thiết, được ưu tiên của ngân hàng thì cũng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ có quy mô lớn như đang được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 51,3% doanh nghiệp được VCCI khảo sát đang không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, chính sách theo luật định; khoảng 7,34% doanh nghiệp được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 4,75% doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn thấp, song có tới 80% doanh nghiệp đã đi qua đầy đủ các bước trong quy trình thủ tục để nhận được hỗ trợ đều ghi nhận rằng, các thủ tục hành chính được triển khai theo các chương trình này khá dễ thực hiện. Do đó, cần đẩy nhanh việc tiếp cận tín dụng lãi suất thấp, miễn giảm tiền thuê đất, thuế, phí,... theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để doanh nghiệp có điều kiện tái lập lại hoạt động, mở rộng quy mô và thúc đẩy năng suất cao hơn bù đắp cho quá trình bị đình đốn do dịch bệnh cũng vô cùng chật vật vừa qua.

Mặt khác, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm nước rút để các địa phương, các ban, ngành chức năng không chỉ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đẩy nhanh quá trình triển khai các chính sách "trợ lực" cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển.

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang