ĐBQH Hoàng Văn Cường: Cần gói hỗ trợ đủ lớn tạo sức bật cho doanh nghiệp

(VietQ.vn) - “Chính phủ, Quốc hội và các nhà quản lý đều nhận định rằng, rất cần một gói hỗ trợ đủ lớn để phục hồi, phát triển nền kinh tế. Bởi, nếu như không có được nguồn lực đủ lớn thì rất có thể chúng ta sẽ bị “lỡ nhịp” so với đà phục hồi của kinh tế thế giới”- GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn).
Ngành TCĐLCL: Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Tiêu chuẩn Việt Nam: Đồng hành cùng sự phát triển đất nước

Thưa ông, gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về lợi ích mà các chính sách này mang lại?
Qua gần 2 năm phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt sau làn sóng dịch lần thứ 4, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh thành phía Nam khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ mức tăng trưởng dương 6,61% trong quý II, đến quý III giảm xuống -6,17%, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm phải bỏ về quê với những dòng người nối đuôi nhau... Đó là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sức tàn phá của Covid-19, nhưng cũng chỉ ra sức chống chịu của nền kinh tế vẫn còn yếu, các nguồn lực của doanh nghiệp đã dần cạn kiệt.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất sớm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, các khoản đóng góp, thậm chí hoãn cả các khoản nợ. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để hồi phục nền kinh tế.
Trước tình hình khó khăn trên, Chính phủ, Quốc hội và các nhà quản lý đều nhận định rằng, rất cần một gói hỗ trợ đủ lớn để phục hồi, phát triển nền kinh tế. Rõ ràng, nếu như không có được nguồn lực đủ lớn thì rất có thể chúng ta sẽ bị “lỡ nhịp” so với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Nếu “lỡ nhịp”, hậu quả sẽ rất nặng nề bởi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại, chúng ta phải bắt nhịp nhanh mới có thể có được các nguồn lợi phát triển. Nếu không phục hồi được, chúng ta sẽ bị mất các quan hệ thị trường, dẫn đến việc rất có thể chúng ta sẽ bị bật ra khỏi chu trình phát triển của kinh tế thế giới.
Với những chính sách hỗ trợ đã ban hành và đang được triển khai, theo ông, việc triển khai các chính sách này như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế?
Với những gói hỗ trợ mới, để tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, tôi cho rằng, chúng ta cần phải lưu ý đến 2 phương thức hỗ trợ, cụ thể như sau:
Thứ nhất là phương thức hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng, nghĩa là làm sao để các doanh nghiệp có thêm được nguồn lực thông qua các nguồn vốn vay đối với các tổ chức tín dụng. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng không tiếp cận được hoặc có tiếp cận được thì mức lãi suất vẫn còn khá cao. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã cố gắng giảm lãi suất cho vay nhưng so với thị trường vẫn là cao, bởi lẽ ngân hàng cũng phải hoạt động với tư cách doanh nghiệp kinh doanh. Do đó, rất cần chính sách của Nhà nước hỗ trợ một phần cho vay để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp.
Tôi cho rằng, mức lãi suất thấp hợp lý là ở mức ngang với tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế. Còn Nhà nước sẽ bù phần chênh lệch giữa mức lạm phát với mức lãi suất của Ngân hàng thương mại. Yếu tố đi kèm với chính sách bù lãi suất phải làm sao cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tránh tình trạng chỉ một số doanh nghiệp có quan hệ quen biết mới được tiếp cận, còn những doanh nghiệp đang khó khăn thì không được tiếp cận. Thậm chí có doanh nghiệp không cần vốn nhưng lại tiếp cận lấy nguồn vốn đó để đầu tư kiếm lãi suất chênh lệch, hoặc đầu cơ bất động sản, chứng khoán.
Thứ hai là phương thức hỗ trợ thông qua tăng cường đầu tư công để kích cầu cho nền kinh tế. Đầu tư công không nên đi theo “con đường truyền thống” là đầu tư các dự án thông thường, mà nên thực hiện phương án đặt hàng cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức nhằm tạo ra các công trình mà Nhà nước đang cần, từ đó lan tỏa đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đại dịch khiến doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn nỗi lo, từ việc giữ chân nhân sự đến duy trì sản xuất, chi phí xét nghiệm Covid-19… Vậy, ông nhận định như thế nào về khả năng vươn lên của doanh nghiệp trong tương lai?
Cùng với việc nhận hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp cũng phải xác định lại phương hướng hoạt động. Trong đó phải rà soát, tái cấu trúc để giảm các chi phí, các khâu không hiệu quả. Thậm chí thay đổi cả về mặt kỹ thuật, công nghệ, quy trình, không thâm dụng lao động.
Chúng ta cũng nhìn thấy nhiều cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như bình thường doanh nghiệp không dám thay đổi thì qua dịch bệnh, doanh nghiệp hiểu rằng không thể dừng lại ở đó, phải tái cấu trúc để thích nghi. Hoặc trước đây, ít doanh nghiệp bắt tay với nhau, thường là mạnh ai người ấy lo, nhưng qua đại dịch chúng ta nhận ra rằng, phải có sự liên kết, bắt tay, chung sức mới có thể chống dịch và tạo lập được các chuỗi cung ứng.
Năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đe dọa đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta kỳ vọng có thể làm chủ được tình hình phòng chống dịch, tránh để xảy ra các bất thường. Và như vậy chúng ta có thể yên tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phục hồi phát triển kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Xen (thực hiện)