Đề án 996: Góp phần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường của tỉnh Thái Nguyên

author 15:14 13/05/2023

(VietQ.vn) - Sau hơn 03 năm triển khai, Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 996) đã góp phần tăng cường và đổi mới hoạt động đo lường của tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ tích cực các tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Sự kiện: CHUYÊN ĐỀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 996

Đo lường là lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 996). Tại tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 10/3/2020 và giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án 996.

Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường thông qua tổ chức 01 hội thảo và 03 hội nghị tập huấn về các nội dung của Đề án 996, thực hiện 01 phóng sự phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, 05 phóng sự phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, 07 bài viết đăng trên Báo Thái Nguyên, 09 bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, 04 bài viết đăng trên Ấn phẩm và 25 bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở KH&CN. Các nội dung trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường.

Sở KH&CN đã xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý đo lường nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ về đo lường và hoạt động quản lý phương tiện đo của các doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở KH&CN đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.

Năm 2021, Sở KH&CN đã tổ chức khảo sát và lựa chọn được 03 doanh nghiệp là: Nhà máy Cán thép Lưu Xá - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt để hỗ trợ xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ KH&CN tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021. Đây cũng là 03 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã ban hành được Chương trình đảm bảo đo lường. Năm 2022, Sở KH&CN đã tiếp tục hỗ trợ 03 doanh nghiệp xây dựng các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật đảm bảo đo lường và hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các quy trình đảm bảo đo lường.

Sở KH&CN tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường. (ảnh minh họa)

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Chương trình đảm bảo đo lường đã góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Cụ thể là: Hiệu quả kinh tế hằng năm được thực hiện thông qua các chỉ tiêu: Giảm tổn thất kinh tế của doanh nghiệp do rà soát, hoàn thiện, loại trừ, khắc phục các hạn chế, tồn tại trong thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm, kiểm tra và việc thực hiện các phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra hiện đang áp dụng; giảm chi phí nghiên cứu và vận hành quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện, thiết bị đo, thử nghiệm, kiểm tra mới có chất lượng và công nghệ cao hơn; đánh giá mức độ tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, hiệu quả xã hội được thực hiện thông qua mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mức độ tăng cường hội nhập được thực hiện thông qua mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.

Cũng trong năm 2022, Sở KH&CN đã hỗ trợ Trung tâm Phát triển KH&CN tỉnh Thái Nguyên xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường thông qua việc chuẩn hóa năng lực, hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường. Đây cũng là một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường đầu tiên trong cả nước thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Năm 2023, Sở KH&CN tiếp tục hướng dẫn, giám sát 03 doanh nghiệp (Nhà máy Cán thép Lưu Xá - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt) và Trung tâm Phát triển KH&CN tỉnh Thái Nguyên thực hiện các nội dung theo Chương trình đảm bảo đo lường đã được phê duyệt.

Đồng thời, Sở KH&CN sẽ hỗ trợ cho 05 tổ chức, doanh nghiệp sản xuất hàng đóng gói sẵn đạt chứng nhận OCOP xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường nhằm bảo đảm chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, Sở KH&CN sẽ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật của các tổ chức, doanh nghiệp.

Sau hơn 03 năm triển khai, Đề án 996 đã góp phần tăng cường và đổi mới hoạt động đo lường của tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ tích cực các tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang