Bộ Y tế cảnh báo: Nếu uống nước không đảm bảo và ăn rau sống dễ nhiễm sán lá gan

author 17:15 18/05/2022

(VietQ.vn) - Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo, nếu uống nước không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn một số loại rau sống, rau chưa chín sẽ dễ nhiễm sán lá gan.

Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, người dân dễ mắc bệnh sán lá gan lớn khi uống nước không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn sống các loại rau như ngổ, húng, muống, rút, cần, cải xoong, ngó sen...

Tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sán lá gan lớn, ban hành mới đây, Bộ Y tế cho biết biểu hiện của bệnh sán lá gan lớn không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Ở giai đoạn cấp tính, ký sinh trùng xâm nhập vào nhu mô gan, khiến người nhiễm bị sốt, đau hạ sườn phải, đau bụng. Giai đoạn mạn tính, ký sinh trùng xâm nhập vào đường mật, gây khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải, viêm mật, đường mật, túi mật... Vì vậy, bác sĩ cần dựa vào các yếu tố như đau tức vùng gan, âm ạch khó tiêu, đau thượng vị, có hay không kèm theo nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt kéo dài hoặc kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa...

 Rau sống rất dễ nhiễm sán lá gan cẩn trọng khi ăn. Ảnh minh họa

Khi bị bệnh nhẹ, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu. Ở thể trung bình, 70-80% người bệnh bị đau bụng, đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, đau từng cơn, sốt cao, rét run, thiếu máu. Ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, có trường hợp bị vỡ gan.

Theo hướng dẫn này, thói quen và tập quán ăn uống là một phần nguyên nhân gây nhiễm bệnh. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn sống các rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Người nghi mắc sán lá gan lớn phải đến bệnh viện khám, điều trị sớm. Các hộ chăn nuôi cần định kỳ tẩy giun, sán cho trâu, bò nhằm tiêu diệt ký sinh trùng. Đồng thời cơ quan chức năng vào cuộc để chủ động phát hiện vùng đang lưu hành bệnh và dập dịch nếu có.

Việt Nam từng phát hiện nhiều trường hợp mắc sán lá gan lớn, trong đó có bệnh nhân nhiễm bệnh nặng, sau đó bị vỡ gan vào năm 2014. Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh, Nghệ An cuối năm 2021 cũng ghi nhận một người đàn ông sụt tới 6 kg/tháng, bị thủng đại tràng, tổn thương gan do sán lá gan lớn. Theo cơ sở y tế này, bệnh sán lá gan lớn chủ yếu lây qua đường tiêu hóa do người bệnh ăn phải đồ ăn hoặc các loại thức uống có chứa ấu trùng sán. Bệnh cũng lây truyền từ người bệnh sang người lành theo đường tiêu hóa.

Thông tin thêm về sán lá gan, bác sĩ các bác sĩ tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cho biết, việc ăn những thực phẩm chưa được nấu chín là cơ hội để ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể. Đầu tiên chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh lên đến hàng chục năm mà khó nhận biết triệu chứng.

Sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Trứng được bài xuất ra ngoài theo phân, xuống nước, phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền tiếp tục qua đường ăn thực phẩm sống có nang trùng.

Bệnh sán lá gan bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Sán lá gan nhỏ có 3 loại là clonorchis sinensis, opisthorchis viverrini, opisthorchis felineus. Sán lá gan lớn có 2 loại fasciola hepatica, fasciola gigantica. Thời gian ủ bệnh của cả hai loại đều phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn phải và đáp ứng của vật chủ. Đối với sán lá gan nhỏ, nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt.

Sán lá gan nhỏ do ký sinh trong đường mật, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, tiếp tục sản sinh, đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Kích thước khi sán trưởng thành chỉ dài 10-20 mm và rộng 2-4 mm. Người nhiễm sán có nguy cơ bị tắc đường mật trong gan, dẫn đến các triệu chứng ban đầu là đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa, chán ăn. Sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan toả và thoái hoá mỡ. Một số trường hợp biểu hiện vàng da tùy theo mức độ bệnh. Khi sán sản sinh quá nhiều trong thời gian dài có thể gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, ung thư đường mật.

Sán lá gan lớn có kích thước dài khoảng 20 - 30 mm và rộng khoảng 5 - 12 mm. Vì kích thước lớn nên ngoài các biểu hiện đau tức như sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn có thể gây áp xe gan, khiến đau dữ dội. Nếu khối áp xe vỡ lên phổi có thể gây tràn dịch màng phổi, sán ký sinh lạc chỗ như dưới da ngực, phổi... nguy hiểm tính mạng. Tình trạng bệnh lý của người bệnh phụ thuộc vào số lượng sán bị nhiễm, thời gian mắc nhiễm, vị trí sán ký sinh...

Do đó việc chẩn đoán sán lá gan thứ nhất là căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng như sốt, đau bụng gan - mật, có biểu hiện triệu chứng viêm đường mật... Sau đó thực hiện xét nghiệm phân và phản ứng miễn dịch. Điều trị bệnh sán lá gan lớn có nhiều loại thuốc đặc hiệu khác nhau như emetine, dehydroemetine, bithionol, hexachloroparaxylol, niclorofan, mebendazole...

Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh sán, bệnh nhân cần đến viện làm xét nghiệm ngay lập tức, tránh để sán sinh sôi phát triển lâu. Bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện ăn chín uống sôi. Một số loại rau nếu muốn ăn sống cần xử lý thật sạch để đảm bảo an toàn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang