Đề xuất hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe ôtô
Cần thiết sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Lộ trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN xe điện tại Việt Nam
Nghị định 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe quy định: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy.
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn này, đa số các chuyên gia và trung tâm đào tạo lái xe khẳng định hiện nay không một giáo viên dạy lái xe thực hành nào đáp ứng được. Vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia không ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ôtô.
Để gỡ khó cho các trung tâm đào tạo lái xe, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của giáo viên dạy thực hành lái xe là: Tốt nghiệp trung học phổ thông, có 50.000 km lái xe an toàn trở lên; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ôtô. Ảnh minh họa
Thay vì gắn quá nhiều trách nhiệm cho Sở GTVT trong quản lý, kiểm tra, giám sát đào tạo, dẫn đến quá tải, tại lần sửa đổi Nghị định 65 lần này, Bộ GTVT cũng đề xuất nhiều quy định theo hướng phân rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giáo viên. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, chương trình đào tạo của mình, có đúng, có đủ hay không.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, những người đã có trình độ văn hóa trung cấp thường không mặn mà với nghề dạy lái xe ôtô. Điều này dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên dạy thực hành lái xe, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.
Ông Thống cho rằng xét về bản chất, học lái xe ôtô cũng chỉ là học nghề. Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép giáo viên có trình độ trung cấp hoặc công nhân có kỹ năng nghề bậc cao từ bậc 3 trở lên. Thậm chí, người công nhân có kỹ năng nghề cao, không tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được đi dạy.
Theo ông Thống, trong đào tạo lái xe không có tay nghề bậc cao nên Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ôtô theo hướng từ yêu cầu phải có bằng trung cấp hạ xuống chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe, có thâm niên 3 năm.
Bên cạnh đó, giáo viên phải qua tập huấn, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Những quy định này đã đảm bảo điều kiện giảng dạy của giáo viên dạy thực hành và đảm bảo tính chặt chẽ, không lo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng quy định quản lý lái xe sau đào tạo bằng việc xây dựng phần mềm theo dõi và sẽ biết chính xác. Thêm nữa, tại dự thảo Luật Trật tự ATGT cũng đã quy định xe ôtô phải lắp thiết bị giám sát hành trình, sẽ kiểm soát được số km tích lũy của giáo viên.
Theo Bộ GTVT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy giấy phép lái xe tại một số Sở GTVT vẫn còn tồn tại những hạn chế như: còn có hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; việc công khai cơ sở đào tạo trên Trang thông tin điện tử của Sở còn chưa cập nhật kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe còn có nơi chưa thực hiện.
Một số địa phương thực hiện công tác tiếp nhận báo cáo 1, báo cáo 2 chưa đảm bảo thời gian theo quy định; việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo, dữ liệu của học viên để xác định hoàn thành chương trình đào tạo trước khi sát hạch còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức; xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT;
Công tác tổ chức sát hạch còn có nơi thực hiện chưa nghiêm; công tác thanh, kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch còn chưa được quan tâm, thực hiện; việc bố trí công chức, nhân sự cho phòng chuyên môn làm công tác quản lý đào tạo, sát hạch vừa thiếu, vừa yếu, cá biệt có một số Sở chỉ có 3 đến 5 người vừa thực hiện công tác này, vừa thực hiện công tác quản lý vận tải (đường thủy, đường bộ)...
Để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao hơn nữa về chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã ký ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phé lái xe.
Bộ GTVT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định; xây dựng, ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo tăng cường chất lượng, nghiêm minh thực thi đối với công tác này.
Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hướng dẫn cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe, gắn thiết bị DAT để quản lý đào tạo lái xe; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong công tác cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
An Dương (T/h)