Đề xuất quy định mới về xuất khẩu gạo: Phải báo cáo tồn kho định kỳ, siết chặt quản lý

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2018, hướng dẫn chi tiết một số điều Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, đáng chú ý là quy định về chế độ báo cáo định kỳ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo phải nộp báo cáo tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trước ngày 20 hàng tháng. Nộp báo cáo tồn kho thóc, gạo, phân loại theo từng chủng loại và phẩm cấp (gạo trắng, gạo thơm, nếp...), trước ngày 5 hàng tháng.
Các báo cáo này sẽ được gửi đồng thời tới Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng phần mềm điện tử do Bộ Công Thương phát triển để thực hiện báo cáo tồn kho. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/1/2025 đến khi phần mềm chính thức vận hành ổn định, doanh nghiệp vẫn phải cập nhật dữ liệu thường xuyên và có thể gửi báo cáo tạm thời qua email nếu hệ thống gặp trục trặc.
Trao đổi với báo chí, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại miền Nam cho biết, việc yêu cầu báo cáo tồn kho là cần thiết trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động do El Nino, chiến tranh thương mại và tỷ giá. Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi sát tình hình cung cầu, điều chỉnh chính sách kịp thời, đồng thời ngăn chặn tình trạng “găm hàng” để trục lợi trong thời điểm giá gạo tăng cao.
Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng gánh nặng hành chính, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ. "Phải báo cáo ở hai mốc thời gian mỗi tháng với nội dung khác nhau gây áp lực lớn, nhất là khi phần mềm còn chưa ổn định hoặc chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Điều này có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chỉ làm báo cáo cho có," ông chia sẻ.
Vị này đề xuất Bộ Công Thương nên triển khai thử nghiệm quy mô nhỏ, có sự tham gia của cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, trước khi chính thức áp dụng trên diện rộng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng – cho biết việc tổng hợp dữ liệu tồn kho theo mẫu chuẩn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp có hệ thống kho tại nhiều tỉnh. Ông cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin: nếu không có cơ chế bảo mật rõ ràng, thông tin về hợp đồng, giá bán hay khách hàng có thể bị rò rỉ, ảnh hưởng tới khả năng đàm phán và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Đôn kiến nghị Bộ Công Thương cần ban hành lộ trình áp dụng phần mềm rõ ràng, bao gồm thời gian thử nghiệm tối thiểu 3–6 tháng và có đánh giá độc lập về hiệu quả. Cơ chế miễn/giảm tạm thời nghĩa vụ báo cáo điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc gặp khó khăn kỹ thuật trong giai đoạn đầu. Quy định rõ trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan, đơn vị liên quan.
An Nguyên