Di sản của Habubank đã để lại cho SHB những 'khối u' gì?

author 14:59 22/04/2019

(VietQ.vn) - Có thể nói, sau thương vụ sáp nhập với Habubank, SHB đang cõng thêm một “khối u” cho cơ thể đã sẵn yếu kém của mình.

Còn nhớ, ngày 7/8/2012, Ngân hàng Nhà nước chính thức ký quyết định hoàn tất thương vụ sáp nhập Habubank vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB). Và, sau đó không lâu, tấm biển logo được gắn trên tường trụ sở của Habubank hơn chục năm đã bị thay thế bằng logo SHB. 

Khi nhận sáp nhập Habubank, theo báo cáo năm 2017, quy mô các tài sản có khác của SHB là 26.352 tỷ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều so với ACB (hơn 8.000 tỷ đồng), Techcombank (hơn 12.500 tỷ đồng) hay VPBank (hơn 15.700 tỷ đồng). Trong giai đoạn 5 năm sau sáp nhập, SHB vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tài sản từ 14-23%/năm và quy mô tài sản 286.010 tỷ đồng vào cuối năm 2017, tương đương với các ngân hàng VPBank, ACB, Techcombank.

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh doanh của SHB trong những năm qua lại tỏ ra kém xa các ngân hàng khác có cùng quy mô tài sản. Năm 2017, ngân hàng đạt gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 1/4 lợi nhuận của Techcombank hay VPBank và bằng 70% của ACB. Thậm chí, lợi nhuận của SHB còn thấp hơn so với HDBank, một ngân hàng có quy mô tài sản dưới 200 nghìn tỷ đồng. Việc nhận sáp nhập Habubank đã khiến SHB phải cấu trúc lại các khoản nợ, trích lập dự phòng. SHB đã phải tiếp quản các tài sản có vấn đề, chủ yếu là nợ xấu. 

Được biết, việc tập trung cho vay nhóm khách hàng thuộc Vinashin (chiếm tới 83% vốn điều lệ của ngân hàng) đã khiến HBB bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng chi phí hàng năm HBB phải trả để duy trì dư nợ này đã khiến ngân hàng phát sinh chi phí khoảng 500 tỷ đồng/năm, khiến nợ xấu sau sáp nhập của SHB là 12,88%. Hơn thế nữa, những “di sản” Habubank để lại vẫn gây phiền toái cho SHB sau khi 2 ngân hàng đã sáp nhập.

Theo đó, trong 2 năm 2008 - 2009, Habubank đã cho CTCP Đông Nam Á vay vốn để kinh doanh theo 5 hợp đồng tín dụng. Tổng số tiền CTCP Đông Nam Á vay là 97.417 USD và 8,7 tỷ đồng với mức lãi suất và thời hạn trả nợ khác nhau tùy từng hợp đồng. 

Để đảm bảo cho khoản vay của các hợp đồng tín dụng nói trên, Công ty Đông Nam Á đã đưa 2 tài sản của bên thứ 3 vào làm tài sản bảo đảm gồm nhà đất của gia đình ông Dương, bà Khi và nhà đất của ông Vọng, bà Chiến.

Thời gian đầu, CTCP Đông Nam Á có trả nợ gốc và lãi nhưng sau đó không trả nữa. Từ tháng 6/2009, ngân hàng nhiều lần yêu cầu trả nợ gốc và lãi nhưng công ty không trả nợ. Do đó, ngân hàng đệ đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Đông Nam Á trả nợ, nếu công ty không trả nợ thì đề nghị xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ 3.

Sau này, khi SHB và Habubank sáp nhập vào tháng 8/2012, SHB đã kế thừa khoản nợ quá hạn này cũng như quyền khởi kiện. Được biết, Công ty Đông Nam Á hiện còn nợ ngân hàng số tiền gốc là 7,74 tỷ đồng và số tiền lãi (đến 21/5/2013) là 4,83 tỷ đồng, tổng cộng là 12,59 tỷ đồng.

Tình hình nợ dưới chuẩn của SHB tăng mạnh trong năm qua 

Quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty Đông Nam Á thừa nhận có vay ngân hàng theo 5 hợp đồng tín dụng và sau này không có khả năng trả nợ đúng hạn. Nay đại diện công ty hứa hẹn lộ trình trả nợ gốc và lãi trong vòng 1 năm. Về tài sản bảo đảm, đại diện công ty đề nghị ngân hàng cho rút 2 tài sản đang thế chấp để thay thế bằng tài sản khác, nhưng lại cho biết, hiện giờ chưa có tài sản bảo đảm nào khác để thay thế!

Hai gia đình đã đưa nhà đất vào làm tài sản bảo đảm cho Công ty Đông Nam Á thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp, nhưng chỉ đảm bảo cho khoản vay tối đa là 400 triệu đồng và 856 triệu đồng (tương ứng với 2 nhà, đất). Hai gia đình này cũng không biết Công ty Đông Nam Á đã vay mượn của ngân hàng nhiều ít ra sao.

Tuy nhiên, 2 gia đình này thừa nhận nghĩa vụ trong khoản tiền nói trên và sẽ trả nợ cho ngân hàng tối đa là 400 triệu đồng và 856 triệu đồng. Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của SHB, buộc Công ty Đông Nam Á phải trả 12,59 tỷ đồng nợ gốc và lãi.

Về tài sản bảo đảm, các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đều được công chứng chứng thực, ngân hàng đã đi đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên Công ty Đông Nam Á không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, những người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng thế chấp.

Nếu những người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, SHB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản nhà đất để thu hồi số tiền trên.

Không chấp nhận bản án nói trên, gia đình ông Vọng, bà Chiến đã có đơn kháng cáo. Được biết, TAND TP.Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án này.

Về phần SHB, đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 323.339 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt 214.001 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, SHB có gần 5.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,4% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng nhẹ so với con số 2,33% cuối năm 2017. 

ĐHĐCĐ đang đến gần, một vấn đề được các cổ đông SHB quan tâm là tình hình nợ dưới chuẩn của SHB tăng mạnh trong năm qua. Vì, sau thương vụ sáp nhập với Habubank, SHB đang cõng thêm một “khối u” cho cơ thể đã sẵn yếu kém của mình. Cũng tại đại hội này, SHB đã đặt kế hoạch lợi nhuận 2018 là trên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên năm vừa qua, ngân hàng này chỉ vừa kịp hoàn thành kế hoạch năm: 2.050 tỷ đồng.

Nợ xấu và xử lý nợ xấu hiện nay luôn là vấn đề nhạy cảm với các cổ đông, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh. Số dư nợ xấu (nhóm 3-5) là 82,9 tỷ, chiếm 14,7% tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2013. So với kế hoạch đề ra đầu năm sẽ kiểm soát nợ xấu ở mức 2% (49,7 tỷ đồng), thì việc thực hiện những mục tiêu đề ra của ban điều hành thực sự có hơi quá kỳ vọng. Trong suốt nhiều năm sau sáp nhập, SHB vẫn báo lãi đều, tỷ lệ cổ tức hàng năm khoảng 7% - 7,5% và chi bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu SHB dưới mệnh giá làm cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ bức xúc.

Còn nữa...

Ngân hàng sau sáp nhập kế thừa thế mạnh của hai ngân hàng trước đó tạo nên những sản phẩm hoàn thiện và đa dạng hơn, không những làm tăng sự gắn bó của khách hàng mà còn tăng thu nhập cho ngân hàng. Ngoài ra, việc sáp nhập còn tạo ra đội ngũ nhân sự lớn, từ đó có thể chọn lọc dàn nhân sự mới chất lượng hơn.

Tuy nhiên, việc nhận sáp nhập một ngân hàng yếu kém cũng đồng nghĩa với nhận không ít khó khăn và thách thức. Đó là rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và đáng lo nhất là nợ xấu. Nếu không xử lý một cách hợp lý, những gánh nặng này có thể tạo nên một ngân hàng không khỏe mạnh với quy mô lớn hơn.

An Nhiên 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:SHB

tin liên quan

video hot

Về đầu trang