Dịch Covid 19: Giảm lãi suất ngân hàng – bàn đẩy cho một nền kinh tế khởi sắc

author 19:59 19/03/2020

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia kinh tế, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch Covid – 19 không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm động lực vượt qua đại dịch mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), quyết định của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế, áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh và đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước được củng cố vững chắc trong những năm qua.

“Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn”, ông Hà cho biết.

Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt.

Các giải pháp trên được giới chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá tích cực. Bởi lẽ, định hướng chính sách này dựa trên nguyên tắc hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm chi phí ở 2 kênh, giảm lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi và giảm phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Dịch Covid 19: Giảm lãi suất ngân hàng – bàn đẩy cho một nền kinh tế khởi sắc

 Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất ngân hàng chính là đòn bẩy để nền kinh tế được thúc đẩy.

Theo các chuyên gia tài chính, dù các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.

Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. Tác dụng của việc giảm lãi suất điều hành mang tính trung, dài hạn, chủ yếu tác động tới các khoản vay mới.

Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Do vậy, việc khoanh, giãn nợ và các chính sách miễn, giãn thuế, phí khác sẽ mang tính hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hơn trong thời điểm này.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nhiều gói giải pháp được các ngân hàng thương mại đưa ra như xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng.

Cũng liên quan tới việc hỗ trơ doanh nghiệp, trước tình hình nhiều nước châu Âu đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới, ông Tạ Hoàng Linh-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) khẳng định việc này hoàn toàn chưa ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá.

Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, quan điểm của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cũng nêu rõ “không để biện pháp đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới thị trường chung. Đây là yêu cầu then chốt trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp”.

Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh chia sẻ thêm rằng, hiện chưa thể khẳng định việc đóng cửa biên giới sẽ ảnh hưởng như thế nào. Bởi việc hàng không chỉ cấm người nhưng hàng hoá vẫn vận chuyển bình thường.

Dù vậy tác động lớn nhất ở đây chỉ có thể là nhu cầu giảm, người dân châu Âu chỉ ngồi nhà và không có nhu cầu mua sắm giày dép, quần áo, đồ gỗ, điện thoại…, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang giao các Thương vụ theo sát vấn đề này và báo cáo về Bộ trong thời gian sớm nhất để xây dựng kịch bản cụ thể.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang