Điểm ‘sống còn’ để doanh nghiệp dệt may phát triển

author 15:47 17/05/2022

(VietQ.vn) - Điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch Covid-19. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước. Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là năm bứt phá với ngành dệt may. Với kịch bản tích cực nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD.

Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục là năm bứt phá với ngành dệt may. Ảnh minh họa.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch Covid-19. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi.

"Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm. Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này.

Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành", ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Phân tích về khó khăn của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, cho biết: Thứ nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thứ 2 là chiến lược Zero Covid từ Trung Quốc, với 50% nguyên phụ liệu dệt may được nhập khẩu từ nước này, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao.

Với chi phí tăng cao, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng hoặc nếu tăng thì tốc độ tăng giá bán thành phẩm cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Sản xuất của doanh nghiệp vẫn phải duy trì, nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao thì nếu không cẩn thận, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Về nhu cầu, người tiêu dùng phục hồi sau Covid-19 nhưng lại ngay lập tức đối mặt với giá cả tăng cao, buộc phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến sự đình trệ từ tiêu dùng đến sản xuất, đây là vòng luẩn quẩn.

Tuy nhiên, dù đối mặt với khó khăn, song vị đại diện May 10 cũng kỳ vọng, ở thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu, sau Covid-19, nhu cầu tiêu dùng sẽ khôi phục; ngoài ra, khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới áp dụng Zero Covid, thì sẽ có sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:dệt may, đơn hàng

tin liên quan

video hot

Về đầu trang